Cũng là biểu hiện của văn hóa

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoạn cuối đường Trần Hưng Đạo, một con phố lớn cho phép xe chạy cả hai chiều đường của Hà Nội, được rào chắn một phần để phục vụ thi công ga ngầm S12 dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

Sau khi rào chắn lòng đường Trần Hưng Đạo đoạn từ nút giao Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo đến Quán Sứ - Trần Hưng Đạo, với chiều dài hơn 200m thu hẹp chỉ còn 5m. Người dân quan tâm là bởi với việc rào chắn này, khi lưu thông qua đây họ sẽ gặp những bất tiện, khó khăn nhất định.
Đại diện nhà thầu Huyndai và Ghella cho biết, sau khi việc rào chắn hoàn thành, nhà thầu sẽ tiến hành đào sâu 20m để thi công các hạng mục của ga ngầm, với tiêu chí đảm bảo an toàn, vệ sinh và tiến độ thi công. Dự kiến, việc thi công ga ngầm sẽ kéo dài trong khoảng một năm rưỡi.
Đúng là sự việc không lớn. Với nhịp độ xây dựng như hiện nay, Hà Nội đã và đang có nhiều tuyến, đoạn đường được rào chắn tạm thời phục vụ việc thi công các công trình công cộng. Vì mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, người dân Hà Nội sẵn sàng chịu đựng, chấp nhận những bất tiện tạm thời. Tuy nhiên, sự việc có vẻ bình thường này lại làm dư luận quan tâm đến vấn đề khác, ở tầm mức rộng hơn. Đó là chất lượng hoàn trả mặt đường sau khi hoàn thành các công trình thường không bảo đảm.
Lâu nay vẫn tồn tại một hiện trạng mà báo chí cùng dư luận đã đề cập nhiều, thậm chí lên án rất gay gắt đó là sau khi thi công các tuyến đường sắt đô thị, hạ ngầm cáp điện, viễn thông… không ít đơn vị thi công đã không hoàn trả mặt đường hoặc làm chậm, kém chất lượng... Điều này vừa vi phạm các quy định hiện hành, vừa gây nguy hiểm với người tham gia giao thông.
Điển hình cho tình trạng đáng buồn nêu trên là việc hoàn trả mặt đường Nguyễn Trãi sau khi thi công các hạng mục của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Theo thông tin từ nhà thầu thi công, đến tháng 6/2019, đã có 99% khối lượng công việc được hoàn thành và việc hoàn trả kết cấu hạ tầng cho trục đường Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (quận Hà Đông) cũng đã hoàn tất.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều vị trí trên mặt đường đã xuất hiện tình trạng lồi lõm, nắp hố ga bị nứt vỡ... Thậm chí nhiều đoạn trên đường Nguyễn Trãi chưa được thảm lại, mặt đường gồ ghề với những “sống trâu”, “ổ gà” gây khó khăn cho xe cộ lưu thông. Có những đoạn đường như đoạn Nguyễn Trãi - Trần Phú lâu nay chưa có vạch phân làn khiến giao thông lộn xộn, các loại xe đan xen nhau rất nguy hiểm.
Có thể thấy tình trạng tương tự ở một số điểm khác tại tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn qua các tuyến đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn, quốc lộ 32. Ngay sau khi được hoàn trả, nhiều vị trí mặt đường xuống cấp. Tình trạng đáng buồn trên còn thấy ở một số công trình trên các tuyến đường trong khu vực nội đô gây bức xúc cho người dân.
Để khắc phục dứt điểm tình trạng nêu trên, các ngành chức năng của TP mà đóng vai trò chính là Sở Giao thông vận tải đang phối hợp, chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng việc hoàn trả mặt bằng sau thi công công trình. Đó là việc làm cần thiết. Song cần thiết hơn là mỗi đơn vị thi công, mỗi nhà thầu phải ý thức được đó là trách nhiệm trước cộng đồng.
Trong quá trình phát triển đô thị tiến tới hiện đại hóa, tất yếu phải có những khó khăn, bất tiện nảy sinh. Nhiều nhà thầu, đơn vị thi công đã ý thức được rằng mình đang gây khó khăn cho cộng đồng và đã có những tấm biển với dòng chữ: Xin lỗi vì đã làm phiền cộng đồng!
Đó là một cách làm hay. Song hay hơn cả là sau khi hoàn tất công việc của mình, các nhà thầu, đơn vị thi công hãy hoàn trả mặt đường, thậm chí còn làm đẹp hơn, tốt hơn như một sự đền đáp cho người dân, xã hội. Đó có thể được coi là một biểu hiện của văn hóa DN. Mặt khác, cách làm mang tính văn hóa ấy cũng góp phần nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu của DN trước cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần