Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cũng là giữ kỷ cương, phép nước

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Bảo Lâm vừa thông tin: Năm nay, NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không phát hành tiền mới mệnh giá dưới 10.000 đồng.

Đây không phải năm đầu tiên NHNN thực hiện chủ trương này. Dự tính, riêng trong năm 2018, NHNH tiết kiệm chi phí cho ngân sách Nhà nước khoảng 390 tỷ đồng nhờ thực hiện chủ trương này.
Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm là dù đã thực hiện từ nhiều năm nay nhưng dịch vụ đổi tiền lẻ mới vẫn diễn ra khá tấp nập với số lượng lớn. Chỉ cần gõ tìm kiếm với từ khóa “đổi tiền lẻ lì xì”, trong 0,45 giây đã cho 27.000 kết quả. Theo lời quảng cáo của những người cung cấp dịch vụ này, các loại tiền mệnh giá từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng đều là tiền mới và seri còn nguyên, số lượng bao nhiêu cũng có, thậm chí có thể chuyển hàng đến ngay. Điều đáng nói là dịch vụ này có mức phí khá cao. Tại thị trường chợ đen, tùy theo từng thời điểm và từng năm, tiền lẻ được quy đổi theo mức phí từ 10% đến 20%, 30%... tùy theo mệnh giá. Với các loại tiền mệnh giá nhỏ, người đổi phải trả phí cao hơn, chẳng hạn với những tờ tiền mới, mệnh giá 500 đồng nguyên seri, nếu đổi 100 tờ (tức 50.000 đồng), thì phải trả 200.000 đồng.

Thời điểm này, khi chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhu cầu đổi tiền lẻ để lì xì, mừng tuổi, đi lễ đầu năm lại càng tăng. Như vậy, có thể nói nhu cầu đổi tiền mới mệnh giá thấp để mừng tuổi và đi lễ đầu năm là có thật, thậm chí rất cao. Có cầu ắt có cung. Ngoài ra, còn có một thực tế là nhiều người dân tại các đô thị lớn vẫn đổi tiền lẻ theo các hình thức khác nhau qua kênh của ngân hàng, tổ chức, qua DN xuất nhập khẩu, tổ chức trung gian tài chính, DN bảo hiểm, người thân, quen hoặc nhân viên, cán bộ ngân hàng…

Vậy đâu là giải pháp để tình trạng đổi tiền lẻ diễn ra một cách tràn lan, bất hợp pháp mỗi dịp Tết đến được xử lý dứt điểm. Nên chăng đáp ứng nhu cầu về tiền mới, mệnh giá thấp một cách có tổ chức với những biện pháp quản lý phù hợp? Bởi Thủ tướng cũng đã có chỉ thị cần có giải pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết. Để thực hiện giải pháp trên, một trong những việc có thể làm là tổ chức thu đổi tiền lẻ từ các cơ sở thờ tự như đền, chùa, miếu mạo, đặc biệt là những nơi có lượng khách đi lễ lớn để quay vòng phục vụ người dân với một mức phí phù hợp và dùng tiền đó cung cấp dịch vụ có thu phí hợp lí cho người dân có nhu cầu. Như vậy vừa quản lý được dòng tiền lẻ, vừa có thêm khoản thu về cho ngân sách. Cũng cần nói thêm, nhu cầu dùng tiền lẻ mới để lì xì cho con trẻ trong ngày Xuân là một nét đẹp truyền thống từ bao đời. Và việc tổ chức dịch vụ cung cấp những đồng tiền đặc biệt không phải là không có tiền lệ với các ngân hàng trên thế giới.

Ở một khía cạnh khác, như trên đã nói, một nguyên nhân làm nhu cầu tiền lẻ, mệnh giá thấp tăng cao là thói quen rải tiền lẻ khắp nơi trong khuôn viên đền, chùa…, từ gốc cây đến các bệ thờ, tượng Phật của người dân khi đi lễ. Vậy nên, cùng với việc tuyên truyền giáo dục để người dân có nhận thức đúng đắn điều chỉnh, ứng xử có văn hóa khi hành hương là cần thiết. Song để chấm dứt những hành vi phản cảm trên, có một việc cũng cần thiết không kém. Đó là vận động các cơ sở thờ tự không đặt hòm công đức, bát hương… một cách tràn lan, tùy tiện, như đã thấy ở một số nơi. Một nét đẹp dễ nhận ra ở nhiều đền, chùa là mỗi nơi chỉ đặt một hòm công đức ở chính điện vừa trang trọng lại mang nét văn hóa. Đó phải chăng cũng là một biện pháp làm giảm nhu cầu đổi tiền lẻ mỗi khi năm mới tới? Cuối cùng, một khi đã đưa dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới có mệnh giá thấp vào quản lý, cần nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm, thực hiện dịch vụ đổi tiền bất hợp pháp, xóa bỏ việc thực hiện dịch vụ trôi nổi trên thị trường.