Cũng là nét đẹp văn hóa

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ đầu tuần này, ngày 11/1/2021, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Như vậy, với quy định mới trong Nghị định 137/2020, Tết Tân Sửu tới, mỗi người, mỗi nhà sẽ có thêm một niềm vui, cùng ngắm những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu trong thời khắc thiêng liêng đón mừng năm mới. Có thể nói đây là một quy định phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Để quy định mới cho phép sử dụng pháo hoa trong các ngày lễ, Tết cũng như những sự kiện văn hóa, lễ kỷ niệm của mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị… thực sự có ý nghĩa, cũng cần có nhận thức rõ ràng, đầy đủ, tránh làm sai hoặc lạm dụng. Để tránh những hiện tượng trên, có hai điều cần lưu ý:
Một là, pháo hoa mà Nghị định 137/2020 cho phép người dân được sử dụng trong các dịp đặc biệt chính là loại pháo chỉ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây ra tiếng nổ. Điều đó cũng có nghĩa là theo quy định mới, tất cả các loại pháo gây ra tiếng nổ đều không phải pháo hoa, người dân không được phép sử dụng.

Hai là, các cá nhân, tổ chức không thuộc Bộ Quốc phòng và không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự... thì không được sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Nhắc lại một cách chi tiết, cụ thể như vậy để mỗi người dân, gia đình, nhất là các hộ làm kinh doanh, dịch vụ nắm rõ để thực hiện nghiêm, tránh trường hợp hiểu lầm, có thể dẫn đến vô tình vi phạm pháp luật.

Như trên đã nói, việc cho phép người dân, các cơ quan đơn vị được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi, sinh nhật là một việc phù hợp, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân trong khuôn khổ bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Để quy định này được thực hiện nghiêm, đúng với mục đích, ý nghĩa tốt đẹp, mỗi người dân, gia đình, cơ quan đơn vị cần nhận thức đúng, thực hiện nghiêm tránh làm sai, lạm dụng. Nói vậy vì hẳn chúng ta còn nhớ từ nhiều năm trước, để đón mừng năm mới hay những sự kiện vui mừng như khai trương, cưới hỏi… mỗi gia đình thường đốt một băng pháo. Đó là loại pháo Trúc Bạch do quốc doanh sản xuất, quả pháo nhỏ bằng đầu đũa, tiếng nổ chỉ đủ vui tai, tạo không khí phấn khởi, hồ hởi, ấm áp. Sau này, việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo bị lạm dụng trở thành một vấn nạn, gây những tổn thất không nhỏ về người và của cũng như ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Chỉ trong trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994 - một năm trước khi có Chỉ thị 406) đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn hàng 20 - 30 tỷ đồng. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp bách của việc ban hành Chỉ thị 406- TTg Về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo vào tháng 8 năm 1994.

Chúng ta đã có nhiều năm thực hiện tốt Chỉ thị 406 cùng các quy định cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ. Tuy nhiên những năm gần đây, tại một số địa phương, trong đó có cả Hà Nội đã xuất hiện hành vi buôn bán, đốt pháo nổ. Để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật nói trên, việc ban hành Nghị định 137/2020 cũng có thể coi như sự nhắc nhở các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm, tránh tình trạng coi thường luật pháp, cũng là để người dân có thêm ý thức về việc thực hiện quy định cho phép đốt pháo hoa dịp Tết đến Xuân về cũng như các sự kiện đặc biệt của gia đình, họ tộc, cơ quan, đơn vị…

Chúng ta vẫn nói đến việc ăn Tết cổ truyền, tổ chức các sự kiện, ngày kỷ niệm… một cách trang trọng, tiết kiệm như một yêu cầu của nếp sống văn hóa. Sử dụng pháo hoa trong những dịp vui mừng, lễ, Tết sẽ trở thành một tập tục tốt đẹp, lâu bền, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội, cộng đồng khi các quy định Nghị định 137/2020 về vấn đề này được mỗi người, mỗi nhà chấp hành và thực thi một cách nghiêm túc. Và đó cũng cần được coi là một biểu hiện của nếp sống văn hóa.