Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cùng lắng nghe những giai điệu tự tình mùa đông Hà Nội

Ngân Giang (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày đông giá rét, người dân Thủ đô dường như cảm thấy ấm lòng hơn khi quây quần bên người thân, bạn bè, bên ly cà phê, tách trà ấm và nhẹ nhàng hòa mình vào những giai điệu bất hủ, đầy chất thơ, tự tình về mùa đông Hà Nội.

Báo Kinh tế & Đô thị điện tử xin mời độc giả cùng lắng nghe:

Lãng đãng chiều đông Hà Nội

Lại thêm một chiều đông Hà Nội lãng đãng, lãng đãng mây mù, lãng đãng sương, lãng đãng bước chân một kẻ lạc đường trong những chuyến hành hương về quá khứ.

Phủ Tây Hồ vẳng một tiếng chuông xa, khói sương nơi nào bảng lảng. Giọt mưa phùn ướt áo ta mà con đường thì xa, bước chân người… liệu có về lối cũ nữa không?

Đêm đông

Ra đời từ năm 1940, Đêm đông là bản nhạc tiền chiến bất hủ của Nguyễn Văn Thương – nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Khi cuộc kháng chiến trường kỳ đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, Nguyễn Văn Thương đã mang cảm xúc của mình vào bài hát để thể hiện lòng nhân ái trước những mảnh đời vất vả và bất hạnh trong chiến tranh.

Lời ca của Đêm đông mang đầy chất thơ với những hình ảnh như “thân lãng du cô liêu chán chường” hay “sầu lên khơi hồn quê lai láng”. Tiếng hát đầy ma mị của cố NSND Lê Dung mang tới cảm xúc thiêng liêng mà người nhạc sĩ muốn thể hiện trong ca khúc này. Những phiên bản của hai giọng ca hải ngoại Khánh Ly và Lệ Thu cũng rất nổi tiếng.

Đêm mùa đông Hà Nội

"Đêm mùa đông đi trên con đường quen

Nghe tiếng rao bồi hồi nỗi nhớ

Đâu hàng cây quạnh hiu phố cũ?

Hà Nội ơi đêm mùa đông, Hà Nội ơi…"

Là một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng, hình ảnh Hà Nội trong đêm mùa đông hiện lên qua kí ức của người gắn bó nhiều năm với Thủ Đô, qua hình ảnh những con phố đông vừa quen thuộc lại vừa lãng mạn, bồi hồi vừa lắng đọng trong những làn mưa nhè nhẹ, trong những tiếng rao văng vẳng rất gần mà rất xa. Ca khúc được ca sĩ Thùy Dung, Lô Thủy thể hiện khá thành công. 

Hà Nội mùa vắng những cơn mưa

Ca khúc Hà Nội mùa vắng những cơn mưa qua giọng ca Cẩm Vân

Nếu như mùa đông Hà Nội trong Em ơi Hà Nội phố gợi lên sự hoài niệm thì trong Hà Nội mùa vắng những cơn mưa là nỗi nhớ bâng khuâng. Bài hát được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ từ thơ của Bùi Thanh Tuấn vẽ nên một Hà Nội thật gần gũi nhưng lại quá xa xôi. Nỗi nhớ phảng phất qua từng câu hát miên man: “Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ, ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay, hơi ấm trao em tuổi thơ ngây”.

Ca khúc Hà Nội mùa vắng những cơn mưa qua giọng ca Tuấn Ngọc

Đó là nỗi nhớ về mối tình đầu đẹp đẽ gắn với con đường Cổ Ngư xưa (đường Thanh Niên hiện nay) với nhịp sống chầm chậm cùng những cơn mưa rào bất chợt. Chính vì thế, khi thiếu đi những cơn mưa ấy, nỗi nhớ lại trào dâng với bao tâm sự không thể nói thành lời của người nghệ sĩ. Hai phiên bản Hà Nội mùa vắng những cơn mưa quen thuộc và được nhiều người yêu thích nhất là của Cẩm Vân và Tuấn Ngọc.

Em ơi Hà Nội phố

Mùa đông Hà Nội trong Em ơi Hà Nội phố được nhạc sĩ Phú Quang kể bằng những hình ảnh thân thương – mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, cây bàng mồ côi, hàng phố cũ rêu phong, mái ngói xô nghiêng, màu xanh thời gian… Bài thơ Hà Nội phốđược sáng tác vào mùa đông năm 1972 khi miền Bắc đang trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh nên có một hình ảnh mang đầy tính ước lệ - “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”. Với Em ơi Hà Nội phố, người nghe như bất chợt được đi qua một con phố nhỏ và trở về với những kỷ niệm của “mùa đông năm ấy”.

Những hình ảnh đẹp nhất về mùa đông Hà Nội đã được nhạc sĩ Phú Quang đưa vào ca khúc Em ơi Hà Nội phố, phổ từ bài thơ Hà Nội phố của nhà thơ Phan Vũ. Khi những giai điệu ấy được cất lên, người nghe tìm thấy trong Hà Nội một sự hoài cổ, cũ kĩ, với một nỗi buồn man mác nhưng vẫn có cảm giác bình yên đến lạ lùng. Rất nhiều ca sĩ, từ Cẩm Vân, Tuấn Ngọc, Thanh Lam cho tới Hồng Nhung, Bằng Kiều đều từng thể hiện thành công nhạc phẩm này.

Nỗi nhớ mùa đông

Bài hát kinh điển về mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang mỗi lần vang lên lại đem tới cho người nghe một cảm giác se lạnh và nỗi nhớ bất tận. Những cơn gió mùa đông bắc thổi qua từng mái nhà báo hiệu mùa đông về, màu vàng của những chiếc lá thu giờ nằm dưới mặt đất, tiếng chuông chiều vang vọng từ nơi xa vắng đều là những hình ảnh gợi lên “nỗi nhớ mùa đông”.

Câu hát da diết “Làm sao về được mùa đông” như lời của tác giả thúc giục những gì đẹp đẽ trong quá khứ quay trở lại, để rồi cuối cùng phải “thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về”. Có rất nhiều giọng ca thể hiện Nỗi nhớ mùa đông theo nhiều phong cách khác nhau, nhưng nỗi nhớ khắc khoải, mãnh liệt nhất dường như vẫn là trong phiên bản của ca sĩ Thu Phương.

Mùa đông sẽ qua

Bên cạnh nỗi nhớ và sự trống vắng, mùa đông còn là mùa của quên lãng. Điều này đã được nhạc sĩ Huy Tuấn thể hiện trong bài hát Mùa đông sẽ qua, qua giọng ca của Mỹ Linh. Ca khúc này cũng từng giúp Uyên Linh gây ấn tượng trong cuộc thi Vietnam Idol 2010. Giai điệu dịu dàng của Mùa đông sẽ qua giống như một ngọn lửa nhỏ, sưởi ấm cho những tâm hồn đang thổn thức vì tình yêu giữa cái giá lạnh của gió Bấc, mưa phùn.

Tình yêu đôi khi lại là sự xa cách lạnh lùng, nhưng những ký ức yêu thương trong ngày giá rét lại khiến ta nhớ mãi. Mùa đông không biết hát tình ca, cũng chẳng biết sưởi ấm đôi tay đang tê cóng vì lạnh và ai cũng chỉ muốn nó trôi đi thật nhanh. Thế nhưng khi mưa phùn gió bấc đi qua thì ta lại mong đợi một mùa đông mới về để được trải nghiệm cái giá rét trong tâm hồn thêm lần nữa, cho những yêu thương vỡ òa trong từng cung bậc cảm xúc.

Một ngày mùa đông

Mùa đông đến cùng những cơn gió lạnh, những hàng cây vắng tanh, tiếng mưa phùn rơi và đem theo cả những ký ức buồn về tình yêu. Trong một ngày mùa đông vắng lặng, chàng trai trong bài hát nhớ về người yêu và chợt nhận ra tình cảm của mình quá mãnh liệt. Tuy nhiên, tình cảm xưa kia giờ chỉ còn là “bờ cỏ này giọt sương đã tan, bậc thềm này còn in dấu chân”.

Chàng trai ấy chờ đợi mãi để rồi xót xa: “Giờ đây anh biết anh biết đã mất em rồi đấy, ngày mùa đông đến nghe tiếng xa vắng mưa phùn rơi”. Nếu như tình yêu ở mùa xuân là những e ấp, ngượng ngùng của một mối tình chớm nở, mùa hè thể hiện cho tình yêu mãnh liệt, mùa thu là tình yêu ngọt ngào, dịu êm thì mùa đông lại thường gắn với những tâm sự buồn đau. Bằng Kiều, Lê Hiếu hay Tuấn Hưng đều là những giọng ca nam đem tới cho Một ngày mùa đông những sắc màu riêng biệt.

Những mùa đông yêu dấu

Đó là một chiều thênh thang gió, một mình dạo qua những phố cổ ngoằn ngoèo in bóng thời gian, lắng nghe qua ô cửa sổ nhà ai một khúc tự tình của nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Chợt yêu đến thế giọng ca ngọt ngào của chàng ca sĩ vẫn hay hát những bài tình êm như gió và nhẹ như chút nắng vàng phai nơi góc phố mùa đông.