Cùng quê nên ít... "bướm ong"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một công nhân tên H cho biết: “Nhiều lần cai mời tôi quan hệ với 2 phụ nữ đó. Cai cũng sắp xếp cho H và Th quan hệ với một số LĐ khác và khấu trừ vào lương”.

KTĐT - Một công nhân tên H cho biết: “Nhiều lần cai mời tôi quan hệ với 2 phụ nữ đó. Cai cũng sắp xếp cho H và Th quan hệ với một số LĐ khác và khấu trừ vào lương”. Ngoài ra, nhóm này cũng đưa gái mại dâm về nơi ở để... vui vẻ.

Nói về việc giải quyết sinh lý của lao động xa nhà chắc nhiều người vợ ở quê... choáng. Tuy nhiên, nhiều nhóm lao động cùng quê có cách “gìn giữ” rất tốt nhờ cơ chế kiểm soát là sự lên án của gia đình, dòng họ.

Chơi bời sợ... để tiếng

Trong một nghiên cứu về “Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân trong công nhân xây dựng ở Hà Nội”, tác giả Bùi Thị Thanh Thuỷ (Thạc sĩ nhân học - y tế) đã có khảo sát hàng năm trời trong 2 nhóm lao động (LĐ) đi làm xây dựng ở Hà Nội: Nhóm LĐ ở Vĩnh Phúc - tập hợp những thanh niên không cùng quê và nhóm LĐ ở Bắc Giang - tập hợp những thành viên cùng làng xóm.

Câu chuyện của các LĐ trong nhóm Vĩnh Phúc cho thấy mặt trái “khủng khiếp” của LĐ sống xa nhà. Nhóm này có 2 phụ nữ tên H và Th. “Cai thầu” của nhóm này sử dụng H và Th như một phần thưởng cho các LĐ làm việc năng suất (được quan hệ tình dục).

Một công nhân tên H cho biết: “Nhiều lần cai mời tôi quan hệ với 2 phụ nữ đó. Cai cũng sắp xếp cho H và Th quan hệ với một số LĐ khác và khấu trừ vào lương”. Ngoài ra, nhóm này cũng đưa gái mại dâm về nơi ở để... vui vẻ.

Ngược lại, nhóm LĐ ở Bắc Giang thì hầu như không quan tâm tới dịch vụ này. Một số LĐ coi việc mua dâm là rất tốn kém và đó là hành vi xấu.

Một LĐ nói: “Đi với gái mại dâm, chúng tôi sẽ mất 100.000-200.000 đồng, số tiền đó thực sự lớn với chúng tôi. Nhưng xấu hổ hơn cả là gia đình và bạn bè biết chuyện”. Thực tế ở nhóm này, cả cai thầu cũng là người cùng làng, vì thế, dù sống xa gia đình họ vẫn cảm thấy bị ảnh hưởng bởi cộng đồng làng xã và gia đình.

Tại Hà Nội, hiện có hàng ngàn nhóm LĐ như nhóm Vĩnh Phúc, Bắc Giang nói trên và thực sự hành vi “ong bướm” của LĐ cũng tuỳ thuộc vào cai và xuất thân của nhóm.

Tận dụng mạng lưới đồng đẳng

Từ những nghiên cứu sâu nói trên, Thạc sĩ Thuỷ kết luận, việc LĐ xuất thân từ một làng là yếu tố quan trọng quyết định việc các LĐ có tham gia vào quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hay không.

Trong nhóm Bắc Giang, do LĐ cùng làng nên khó có thể ngăn cản việc lan truyền thông tin về hoạt động của nhóm với người cùng làng. Ngược lại, nhóm Vĩnh Phúc gồm những nam giới tới từ các làng khác nhau nên phát triển mối quan hệ phe cánh, đồng loã để hỗ trợ nhau thực hiện hành vi giống nhau.

Vì vậy, theo Thạc sĩ Thuỷ, sự kiểm soát xã hội mang tính làng xã mạnh hơn nhiều khi LĐ cùng quê.

Một LĐ tên T tâm sự: “Mang tiếng xấu với xóm làng thì khủng khiếp lắm. Nếu ngoại tình hoặc mua dâm, tin tức truyền về làng nhanh lắm. Người có hành vi ấy khi về làng chỉ còn cách duy nhất là cúi đầu, không dám nhìn ai”.

Trong nhiều chương trình giảm thiểu HIV/AIDS, các nhà hoạch định chính sách rất băn khoăn về cách tác động tới nhóm đối tượng này.

Theo Thạc sĩ Thuỷ, trong tương lai các chương trình phòng chống HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể nhắm tới LĐ di cư hiệu quả hơn bằng cách tận dụng mạng lưới đồng đẳng - chính là nhóm LĐ cùng quê quán, cùng “hệ quy chiếu” về đạo đức. Các cách thức can thiệp phải được phát triển riêng rẽ cho từng nhóm tuỳ thuộc họ cùng quê hay khác quê.

Trong 2 ngày (8 và 9 – 11) tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội và Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ và dân số đồng tổ chức Hội nghị Quốc gia lần 1 về giới, tình dục và sức khoẻ tình dục với tiêu đề “Thương thuyết tình dục trong các không gian chuyển động”. Hơn 120 đại biểu thảo luận các vấn đề chung về tình dục. Đặc biệt, lần đầu tiên, vấn đề tình dục trong nhóm LĐ di cư được đưa ra bàn luận.