Cùng trình độ, vị trí công việc nhưng lao động nữ thu nhập thấp hơn nam

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lao động nữ đang đóng góp rất lớn và sự phát triển của nền kinh tế đất nước nhưng lại gặp nhiều rào cản tiếp cận các cơ hội phát triển nghề nghiệp so với nam giới.

Ngày 23/1, Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư (Mnet) công bố báo cáo Phụ nữ, việc làm và tiền lương: Tổng quan về lao động nữ tại Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam, lao động nữ đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam là 72%, cao hơn 33% so với mức trung bình thế giới. 
Lao động nữ chiếm đa số lực lượng lao động trong ngành dệt may nhưng thu nhập lại thấp.
Lao động nữ tại Việt Nam chiếm 48,4% tổng lực lượng lao động nhưng lại gặp rất nhiều rào cản trong việc làm và thu nhập. Lao động nữ đóng vai trò chính yếu trong các chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng chỉ hưởng một phần quá nhỏ trong đó. Đơn cử, trong ngành may, chi phí lao động chỉ chiếm 2% giá bán buôn của một sản phẩm trong khi các nhãn hàng đang hưởng 16% lợi nhuận.

Có 7,8 triệu lao động nữ đang làm việc trong khu vực phi chính thức với điều kiện làm việc không đảm bảo. Lao động nữ trong khu vực phi chính thức phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn 27,8% lao động nam cùng làm việc ở khu vực này.

Lao động nữ cũng đang ở vị thế thấp hơn nam trong cơ cấu việc làm, chỉ chiếm 26,1% các vị trí lãnh đạo nhưng lại đóng góp tới 52,1% nhóm lao động giản đơn và 66,6% lao động gia đình. Điều này cho thấy phụ nữ gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển nghề nghiệp so với nam giới.

Không chỉ thế, khả năng tiếp cận việc làm đối với lao động nữ khó khăn hơn nam giới ở hầu hết mọi nhóm trình độ. Lao động nữ chiếm đa số trong nhóm thất nghiệp, với 57,3% số người thất nghiệp ở nhóm “chưa qua đào tạo” và 50,2% trong nhóm “đã được đào tạo nghề/chuyên nghiệp”.

Thậm chí, điều kiện vệ sinh không đảm bảo và áp lực công việc để lại hậu quả tới sức khoẻ lao động nữ. Chiếm 70 - 79% lực lượng lao động các ngành xuất khẩu chủ lực (dệt may, da giày, điện tử, chế biến thuỷ sản) tuy nhiên lao động nữ đang phải làm việc trong điều kiện kém vệ sinh, nóng bức, áp lực công việc cao, thiếu các trang thiết bị vệ sinh phù hợp. Có tới 68% lao động nữ trong các nhà máy xuất khẩu giày đã từng bị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, theo khảo sát của MSI.

Điều đáng nói trong báo cáo, cho dù có cùng trình độ, vị trí công việc như nam giới nhưng thu nhập của lao động nữ Việt Nam luôn thấp hơn. Trung bình, thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam giới 10,7%, ở các nhóm trình độ cao khoảng cách càng nới rộng.

Đơn cử, năm 2016, thu nhập của lao động nữ chưa qua đào tạo chỉ thấp hơn nam cùng trình độ 8,1% nhưng ở nhóm trình độ đại học trở lên chênh lệch lên tới 19,7%. Lao động nữ có thu nhập thấp hơn nam 12% ở vị tí lãnh đạo, 19,4% vị trí chuyên môn kỹ thuật bậc cao và 15,6% ở nhóm lao động giản đơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần