Giá gia cầm biến động lớn
Chia sẻ tại hội nghị đánh giá thực trạng chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới tổ chức ngày 27/4, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, cho biết trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước nhìn chung phát triển ổn định.
So với cùng kỳ năm 2022, tổng đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563.200 tấn, tăng 4,2%. Trong cơ cấu tổng đàn gia cầm, gà vẫn chiếm số lượng lớn nhất với 453,3 triệu con (chiếm 81,3%); còn lại là thủy cầm 103,99 triệu con (chiếm 18,7%).
Tuy nhiên, thị trường sản phẩm chăn nuôi gia cầm lại có biến động lớn. Các tháng đầu năm 2023, giá gà thịt lông trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000 - 35.000 đồng/kg thịt hơi, giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam và tuỳ thời điểm và vùng miền.
Giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp không có chênh lệch giữa các miền. Trong tháng 1/2023, giá duy trì 39.000 - 43.000 đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33.000 đồng/kg và tăng lên 38.000 đồng/kg trong tháng 3; sau đó giảm còn 26.000 - 32.000 đồng/kg trong tháng 4/2023.
“Sức mua của thị trường giảm ảnh hưởng đến giá các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thịt gia cầm. Giá các sản phẩm chăn nuôi biến động nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi; kéo theo đó, thị trường sản phẩm chăn nuôi cũng không ổn định…” - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh nói.
Chăn nuôi gia cầm vẫn gặp khó
Theo Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam (VIPA) Nguyễn Thanh Sơn, trong 5 năm qua, ngành gia cầm tăng trưởng nhanh. Công nghệ chăn nuôi và chất lượng giống ngày một được nâng cao. Năng lực sản xuất gia cầm trong nước hiện nay thừa phục vụ trong nước và đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, tỷ suất lợi nhuận ngành gia cầm hiện nay rất thấp, thậm chí trong hai năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp… không có lãi. Trong khi giá bán thịt gia cầm thấp, khó tiêu thụ thì ngành gia cầm còn chịu tác động từ nguy cơ của dịch bệnh.
Là doanh nghiệp có hơn 30 năm kinh nghiệm, tuy nhiên, Công ty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt cũng đang gặp khó khăn riêng trong phát triển lĩnh vực gia cầm. Bà Chu Thị Hồng Thuỷ - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt, cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với quy hoạch, chính sách hỗ trợ của các địa phương; thiếu kênh tiếp cận thông tin ngành hàng.
Về thị trường, bà Chu Thị Hồng Thuỷ cho rằng, có câu chuyện cạnh tranh về giá trong thị trường nội địa. Mặ dù vậy, những khuyến cáo của các bộ ngành về chất lượng của các sản phẩm gia cầm nói chung còn rất ít. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các sản phẩm chất lượng với các sản phẩm đại trà.
Một số doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về việc tăng trưởng nhập khẩu thịt gà đông lạnh tăng lên gấp nhiều lần so với tăng trưởng sản phẩm trong nước. Các doanh nghiệp nội đang ngày một bị lép vế trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); người nông dân sản xuất quy mô nhỏ đang bị loại dần khỏi cuộc chơi…
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ
Trước nhiều khó khăn tác động đến lĩnh vực chăn nuôi, các doanh nghiệp cho rằng, Bộ NN&PTNT nên xem xét điều chỉnh một số chính sách về tín dụng ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi; đơn giản hoá thủ tục để các doanh nghiệp dễ tiếp cận các hồi hỗ trợ của Chính phủ.
“Bộ NN&PTNT cũng cần xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Rà soát lại chiến lược phát triển ngành gia cầm. Hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các thủ tục hành chính để mở rộng thị trường xuất khẩu…” - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, các bộ ngành cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm thịt gà đông lạnh; hạn chế nhập khẩu gà đẻ loại nguyên con đông lạnh. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới để hạn chế tác động đến chăn nuôi trong nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chỉ khi có sự tham gia của các doanh nghiệp có công nghệ, định hướng sản xuất quy mô lớn thì ngành chăn nuôi mới phát triển và tiếp cận được với thị trường toàn cầu. Chính vì vậy thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng. Trước mắt cần tập trung vào Luật Đất đai (sửa đổi): Bổ sung quy định về đất chăn nuôi để có đủ không gian cho phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện cho việc quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Triển khai rà soát quy mô đàn gia cầm, đánh giá chất lượng, năng suất đàn gia cầm tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp theo Chiến lược phát triển chăn nuôi và quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương. Khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, chăn nuôi an toàn sinh học và phòng, chống và kiểm soát tốt dịch bệnh…
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo tập trung xây dựng ngành hàng gia cầm theo các chuỗi liên kết; hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...