Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc bầu cử kỳ lạ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng như dự đoán, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn được tổ chức hôm 14/12.

Cuộc bầu cử lần này được coi là một cuộc thăm dò dư luận đối với chính sách kích thích tăng trưởng do ông Abe đề xuất (còn gọi là Abenomics) và quyết định tiến hành tăng thuế lần hai từ 8 lên 10% vào tháng 4/2017 sau 18 tháng trì hoãn.

Trước đó, việc ba mũi tên của Abenomics chưa trúng “hồng tâm” khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã tăng trưởng âm hai quý liên tiếp đã khiến người dân nghi ngại về khả năng điều hành của ông Abe và tỷ lệ ủng hộ Nội các đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Điều đáng nói là dù chiến thắng nhưng việc chỉ có 13,5 triệu người đã đi bỏ phiếu – con số thấp chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ II cho thấy sự thờ ơ của người dân trước tương lai chính trị của đất nước.

 
Niềm vui chiến thắng của Thủ tướng Shinzo Abe .     Ảnh: Reuters
Niềm vui chiến thắng của Thủ tướng Shinzo Abe . Ảnh: Reuters
 
Các nhà quan sát cho rằng, điều đáng lo ngại với nước Nhật không phải là việc trì hoãn chính sách tăng thuế hay phải bơm bao nhiêu tiền vào nền kinh tế mà là sự vô cảm của thế hệ trẻ. Nếu họ không hành động bằng lá phiếu của mình, nền kinh tế vốn đã rơi vào tình trạng “lão hóa” suốt hơn 15 năm qua khó có thể “hồi sinh”. Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi này, những người trẻ, vốn không được trải nghiệm qua giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của Nhật Bản cho rằng, cuộc bầu cử lần này là một sự lãng phí thời gian, tiền bạc.

Thực tế, ngay từ khi quyết định giải tán Hạ viện được công bố hôm 21/11, các đảng phái đối lập do không đủ mạnh để nắm chắc khả năng đánh bại LDP đã quay sang công kích quyết định tổ chức bầu cử sớm của ông Abe. Theo các chính trị gia đối lập, với tình hình sức khỏe của nền kinh tế Nhật Bản hiện nay, dù là người lạc quan nhất cũng biết rằng, rất khó để thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài. Vì thế, “kỳ lạ” đã trở thành những từ được dùng nhiều nhất khi nhắc đến cuộc bầu cử Hạ viện lần này bởi chẳng cần đến khi công bố kết quả chính thức, ai cũng biết ông Abe vẫn tiếp tục tại vị. Kỳ lạ là bởi điều mà nước Nhật thật sự cần lúc này không phải là một cuộc bỏ phiếu để tìm ra những nghị sĩ – vốn đã quá quen mặt tại Hạ viện mà là một kế hoạch và hành động cụ thể để đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tìm lại được ánh hào quang đã mất. 

Để có được động lực tăng trưởng, Chính phủ phải kích thích chi tiêu bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng quy luật điều hành kinh tế mà ai cũng biết này lại chẳng khác nào “liều thuốc độc” với món nợ ngân sách ngày càng phình to của Nhật Bản. Vì thế, dù chiến thắng trong cuộc bầu cử kỳ lạ lần này nhưng ông Abe vẫn phải đối mặt với cái vòng luẩn quẩn đầy mâu thuẫn của nền kinh tế Nhật Bản và không ai dám chắc được “ba mũi tên” của Abenomic có đủ sức để phá vỡ được vòng tròn bế tắc đó hay không.
 
Theo thống kê, tính đến 23 giờ, liên minh cầm quyền đã giành được 321 ghế trong Hạ viện còn các đảng đối lập dành được 145 ghế. Với kết quả này, LDP có toàn quyền quyết định đường lối, chính sách điều hành kinh tế, xã hội mà không phải chịu sức ép từ lực lượng đối lập.