Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC (CEO Summit) 2017 đã bàn thảo sâu về tác động cũng như thời cơ mới mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem tới.
Chuyển đổi nguồn nhân lực
Ông Nicolas Aguzin - Chủ tịch kiêm CEO của JP Morgan châu Á - Thái Bình Dương nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ mở đường cho robot tiến vào nhà máy, văn phòng để thế chỗ cho người ở không ít loại hình công việc khác nhau. Ông Nicolas thừa nhận, thị trường lao động thế giới đang có dấu hiệu của một giai đoạn bất ổn trong tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Sự phát triển của thương mại và công nghệ đang mang lại nhiều tốt đẹp cho con người nhưng cũng tạo ra không ít bất lợi. “Tuy nhiên, theo tôi, robot không cướp việc của con người bởi nhiều việc làm mới sẽ xuất hiện” - ông Nicolas nói.
Đồng quan điểm với đại diện từ JP Morgan, ông Aran Maree - Giám đốc phụ trách y tế Johnson & Johnson cho rằng, một số việc làm trong ngành y tế sẽ sớm biến mất do tự động hóa song cũng có một số việc máy móc không thể thay thế con người. Ông dẫn chứng, các lĩnh vực như chẩn đoán xét nghiệm, chăm sóc sức khỏe thì quá trình tự động hóa sẽ diễn ra rất nhanh. Trang thiết bị hiện đại, quá trình chẩn đoán sẽ nhanh hơn, giúp con người có biện pháp phòng ngừa bệnh tốt hơn nhưng đến giai đoạn điều trị y tế thì trong vài năm tới công nghệ cũng không thể thay thế con người. “Bởi vì có nhiều yếu tố trong giai đoạn này mà con người làm tốt hơn công nghệ” - Giám đốc phụ trách y tế Johnson & Johnson cho hay.
Vai trò của đổi mới giáo dục
Theo ông Frederick R.Burke - Hãng luật Baker & McKenzie, sự chuyển đổi của lực lượng lao động trong thời đại số là một trong những chủ đề chính của CEO summit. Đây không chỉ là thách thức của Việt Nam mà còn là của nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, làm sao chúng ta có thể tạo ra thêm nhiều công việc mới, làm sao để giải quyết vấn đề thất nghiệp... Để đối mặt với xu thế của kỷ nguyên số, Việt Nam cần mở cửa ngành giáo dục hơn nữa theo hướng tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, trong quá trình chuyển đổi nguồn nhân lực, vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Nhà nước cần tạo ra hệ thống pháp lý thúc đẩy cái mới, khuyến khích cái mới, để sự sáng tạo ngày càng được đẩy mạnh, gắn với đó là việc tạo ra nghề mới, việc mới. Thứ hai, cuộc chuyển đổi này sẽ đòi hỏi sự thay đổi về hệ thống giáo dục theo hướng đào tạo kỹ năng mới. Thứ ba, là khung khổ pháp lý và cách thức hỗ trợ DN làm sao để chi phí chuyển đổi là nhỏ nhất.