Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chạy đua của các ngân hàng thời hậu Covid-19

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, ảnh hưởng đến tất cả mọi ngành nghề là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, xét ở một góc độ tích cực, dịch Covid-19 lại đang thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đua của các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ tài chính trong tiến trình triển khai số hóa dịch vụ và thanh toán điện tử.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi tọa đàm.

Đó là nội dung của buổi tọa đàm trực tuyến “Ngân hàng số và thanh toán điện tử: gợi mở từ khủng hoảng Covid-19” diễn ra chiều 21/5 tại Hà Nội, do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Không làm sẽ bị loại bỏ
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, thời gian quan có sự dịch chuyển không nhỏ khách hàng từ ngân hàng này chuyển sang sử dụng dịch vụ của ngân hàng khác. Không ít ngân hàng đang đứng trước áp lực không làm sẽ bị loại bỏ.
Do vậy, để thúc đẩy kinh tế số, trước hết ngân hàng phải làm thế nào để nhanh nhất đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng. Thứ hai, quan trọng hơn là khách hàng phải được thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.
Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng Mobile Banking thời gian qua là 200%. Theo thống kê, hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là thói quen, do đó cần cú hích lớn để thay đổi thói quen người dùng. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa ngân hàng với các dịch vụ fintech (công nghệ trong tài chính). Hiện có tới 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng - fintech để cùng phát triển.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Ngân hàng số BIDV chia sẻ, trước năm 2010, thẻ ATM là cuộc cách mạng chuyển dịch từ giao dịch tiền mặt sang thanh toán điện tử, BIDV đã bắt kịp và trở thành top 3 ngân hàng có lượng điểm giao dịch lớn nhất. Để phát huy mạng lưới này, hiện khách hàng không nhất thiết phải dùng thẻ vật lý mà có thể dùng Pay+ để tạo ra, chấp nhận các QR code để rút tiền, thanh toán…
Với mạng lưới hơn 1.200 chi nhánh, BIDV tối ưu hóa và đưa ra e- Zone để tạo ra những chi nhánh ngân hàng như một ki ốt mà tại đó khách hàng được trải nghiệm hành trình số hóa, có thể trải nghiệm những dịch vụ nạp tiền, rút tiền… như tại ngân hàng truyền thống.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khách hàng của BIDV có thể sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch qua các kênh điện tử của BIDV, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch/tháng với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng. BIDV cũng đã tích hợp VinID với hạng mục “đi chợ online” để tăng tiện ích cho khách hàng.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quang Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Napas cho biết, Napas hiện đang cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính cho các giao dịch ATM, thanh toán POS, thanh toán giao dịch thương mại điện tử; cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking cho 45 ngân hàng thương mại, với trung bình gần 2,8 triệu giao dịch/ngày, giá trị quyết toán trung bình 21.000 tỷ đồng/ngày; cung cấp dịch vụ thanh toán cho dịch vụ công, dịch vụ tiện tích như: Điện, nước, cước bưu chính, học phí, viện phí…
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Gỡ nút thắt công nghệ
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, việc tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch có rất nhiều việc phải làm, một trong những việc rất quan trọng đó là phải thực hiện số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử. Yêu cầu số hóa và quốc tế hóa đang trở thành những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Số hóa và quốc tế hóa đảm bảo sự phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.
Trong các nền kinh tế ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có lợi thế trong phát triển kinh tế số. Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300.000 tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. Những con số này bước đầu có ý nghĩa, tuy nhiên nếu so với quy mô của nền kinh tế, lượng giao dịch như vậy là nhỏ.
Để gỡ nút thắt về công nghệ, đại diện các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Ngân hàng số BIDV, trong chiến lược năm 2020, phát triển ngân hàng đến 2025 tầm nhìn 2030, BIDV xác định công nghệ và ngân hàng số là một trong 3 trụ cột trong chiến lược phát triển chính của ngân hàng.
Theo đó, Trung tâm ngân hàng số BIDV được thành lập gồm 5 trọng trách chính, bao gồm: Tham mưu điều hành triển khai số hóa cho ngân hàng; thử nghiệm và phát triển mô hình kinh doanh số; phát triển kênh phân phối và sản phẩm số; nâng cao năng lực phân tích dữ liệu để hiểu khách hàng và cuối cùng là liên tục đổi mới sáng tạo.
Còn theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ số, trong đó tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành ngân hàng. Tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số.
Ngoài ra, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện. Theo đó, triển khai các nội dung liên quan đến phát triển ngân hàng số, hợp tác ngân hàng - fintech, ứng dụng CNTT trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện; đồng thời cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng như trú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng tài chính.

“Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, chúng ta chứng kiến cuộc di dân vĩ đại của thế giới trên không gian số để phòng chống Covid-19. Tôi tin rằng, cuộc di dân này không chỉ là cuộc di dân để phòng chống Covid-19 mà còn là cuộc di dân thúc đẩy sự phát triển của nhân loại”.

(TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI)