Năm 2022, thế giới ghi nhận nhiều kỷ lục lịch sử, trong đó dân số toàn cầu cán mốc 8 tỷ người và nền kinh tế toàn cầu vượt mốc GDP 100 nghìn tỷ USD. Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Ấn Độ lọt vào tốp 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoại trừ Ấn Độ, 4 quốc gia còn lại đều lọt vào tốp 10 cường quốc về công nghệ trên thế giới, bao gồm: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Singapore, Anh, Thụy Điển, Israel, Trung Quốc, Thụy Sỹ. Trong đó cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ (25 nghìn tỷ USD, đứng đầu thế giới) và Trung Quốc (18,3 nghìn tỷ USD, đứng thứ 2) sẽ quyết định đến ngôi bá chủ kinh tế thế giới trong tương lai.
Mỹ - cường quốc về công nghệ cao
Mỹ được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, và cũng là quốc gia dẫn đầu về phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp. Người Mỹ tự hào đã phát minh ra nhiều tiến bộ khoa học, đứng đầu trong các kỹ thuật hiện đại của thế giới ở khoa học vũ trụ, kỹ thuật quân sự, sinh học, y học, phần mềm, dược phẩm, viễn thông… Mỹ cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm Apple, Intel, Google, Facebook và Microsoft.
Theo sáng lập viên Tập đoàn FPT, chuyên gia CNTT Đỗ Cao Bảo: “Trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm trên internet thì Google và Bing của Mỹ không có đối thủ, vượt trội cả về số người dùng, số ngôn ngữ, lẫn độ ảnh hưởng đến các quốc gia trên toàn cầu. Trong lĩnh vực truyền thông xã hội, các nền tảng Facebook, Twitter, Instagram của Mỹ tỏ ra vượt trội Tiktok, Weibo, Wechat của Trung Quốc cả về số người dùng lẫn sự phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trung Quốc đang trở thành một trong những quốc gia tiên phong về đổi mới sáng tạo. Với hàng loạt dấu ấn, quốc gia 1,4 tỷ dân này đang cho thấy tham vọng và tầm ảnh hưởng của mình đến ngành công nghệ toàn cầu.
Trong lĩnh vực y tế, Mỹ vượt trội Trung Quốc cả về Robot hỗ trợ phẫu thuật, chuẩn đoán hình ảnh cũng như phần mềm AI trong việc khám, chuẩn đoán và lên phác đồ điều trị bệnh. Trong top 10 công ty sản xuất Robot phẫu thuật y tế có đến 7 công ty Mỹ, 1 công ty Nhật Bản, 1 công ty Đức và 1 công ty Ireland, không có công ty Trung Quốc nào. Trong top 10 phần mềm AI khám, chuẩn đoán và lên phác đồ điều trị bệnh có đến 8 của Mỹ, 1 của Thuỵ Điển, 1 của Anh. Trong đó 4 phần mềm: Google Health, IBM Watson, Oncora Medica và Cloud MedX Health của Mỹ giữ vị trí từ thứ 1 đến thứ 4”.
Số liệu nghiên cứu mới đây cho thấy, thị trường công nghệ Mỹ chiếm khoảng 37% tổng số thị trường công nghệ thế giới. Ngành công nghệ ở Mỹ sử dụng khoảng 13 triệu lao động tính đến tháng 3 năm 2022, và dự kiến từ nay đến năm 2030 tăng 10%.
Sự tiến bộ về công nghệ của quốc gia này được cho là nhờ vào khoản đầu tư lớn mà Mỹ dành cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong đó, sinh học, y học và dược phẩm là những lĩnh vực có số lượng nghiên cứu được công bố nhiều nhất trên thế giới, vượt xa các quốc gia phát triển khác. Điều này cũng thể hiện rõ qua thực tế là Mỹ chiếm ưu thế trong các công ty dược phẩm cũng như sinh học và y học.
Trung Quốc bám đuổi quyết liệt
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc xây dựng một nền tảng vững chắc về trí tuệ nhân tạo (AI). Theo bảng xếp hạng chỉ số AI của Đại học Stanford, Trung Quốc nằm trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, 1/3 các bài báo khoa học và trích dẫn quốc tế trong năm 2021 là của học giả Trung Quốc. Về đầu tư kinh tế, năm 2021, các công ty tư nhân nước này rót 17 tỷ USD vào AI, chiếm gần 1/5 nguồn vốn đầu tư tư nhân toàn cầu trong lĩnh vực này.
Chính phủ Trung Quốc nỗ lực theo đuổi mục tiêu đến năm 2030 sẽ đứng đầu về AI toàn cầu. Những lĩnh vực được kỳ vọng thay đổi mạnh mẽ nhờ AI là giao thông vận tải, thiết kế chip, y tế và công nghiệp phần mềm.
Theo chuyên gia Đỗ Cao Bảo: “Về nghiên cứu, Trung Quốc đang vượt trội Mỹ về số các bài báo được trích dẫn nhiều nhất. Thống kê cho thấy trong năm 2021, Trung Quốc đứng đầu bảng với 7.401 bài báo được trích dẫn nhiều nhất, vượt xa con số bài báo được trích dẫn của Mỹ đến 70%.
Trong lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt, Trung Quốc đã vượt trội một cách tuyệt đối. Do vướng về luật pháp, Mỹ đã từ bỏ cuộc đua vì những lo ngại liên quan đến quyền riêng tư. Các công ty Trung Quốc (Hikvision, Dahua Technology) kiểm soát 1/3 thị trường camera an ninh của thế giới; công ty Tiandy, có chiếc máy ảnh chỉ cần ánh sáng từ một ngôi sao duy nhất vào ban đêm để chụp ảnh màu độ nét cao.
Trong cuộc thi quốc tế về nhận dạng khuôn mặt năm 2018, các đội Trung Quốc giữ cả 5 giải thưởng cao nhất. Về dữ liệu data, Trung Quốc có số hình ảnh khuôn mặt nhiều gấp 1 triệu lần Mỹ”.
Bên cạnh lĩnh vực AI, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đang đầu tư và phát triển mạnh về các công nghệ mới nổi như, siêu máy tính, 5G, điện toán lượng tử và năng lượng tái tạo. Trung Quốc đang trên hành trình vươn tới mục tiêu bá chủ công nghệ vào năm 2030 với nhiều thách thức to lớn nhưng tiềm lực không hề nhỏ.
Đáp trả sự trừng phạt khốc liệt của Mỹ, họ đang quyết chạy đua phát triển chip tiên tiến, các công nghệ cốt lõi khác và công nghệ mới nổi để trở thành "một siêu cường công nghệ tự lực cánh sinh” với bệ đỡ khá vững về kinh tế, nhân lực và nhân tài. Dự báo, sự ganh đua của 2 cường quốc về kinh tế lẫn CNTT đang trong tình trạng “kẻ tám lạng, người nửa cân” và đang được cả thế giới trông đợi.