Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến đất hiếm: lộ diện đối thủ hạ bệ Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng bắt tay với đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản kỳ vọng lật đổ vị trí thống trị của Bắc Kinh trong cung ứng loại nguyên liệu quan trọng bậc nhất.

Trung Quốc đã sản xuất đến 97% oxit đất hiếm trên thế giới và gần như kiểm soát chuỗi cung ứng.

Một công trường khai thác đất hiếm. Nguồn: Shutterstock 
Một công trường khai thác đất hiếm. Nguồn: Shutterstock 

Mỹ và đồng minh đặc biệt lo ngại khi đây là nguyên tố quan trọng để sản xuất thiết bị công nghệ cao như xe điện hay tuabin gió. Các chuyên gia kêu gọi tăng cường sản xuất đất hiếm nhằm ngăn chặn thế độc quyền của quốc gia tỷ dân.

Trải qua hơn một thập kỷ, lo lắng vẫn tiếp diễn khi không một quốc gia nào đủ sức đe dọa vị thế độc tôn của nền kinh tế số hai thế giới đối với nguồn nguyên liệu quan trọng này.

Ross Embleton, nhà phân tích cấp cao về đất hiếm tại Wood Mackenzie, cho biết: “Bất chấp việc khai thác đất hiếm đang diễn ra ở nhiều nơi, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chiếm ưu thế tuyệt đối”.

Nhiều ông lớn của Trung Quốc như China Northern Rare Earth và China Rare Earth Group đang thống trị thị trường đất hiếm, vận hành các chuỗi cung ứng chặt chẽ và hiệu quả.

Vì lẽ đó, Mỹ và Nhật Bản đang tìm mọi cách để cạnh tranh nguồn nguyên liệu quan trọng này với Trung Quốc. Hai siêu cường này đã hợp tác với công ty Lynas Rare Earths – đối thủ duy nhất chạy đua sản xuất đất hiếm với Bắc Kinh.

Nhà máy đất hiếm của Lynas ở Gebeng, Malaysia. Nguồn: Foreign Policy
Nhà máy đất hiếm của Lynas ở Gebeng, Malaysia. Nguồn: Foreign Policy

Thành lập năm 1983, công ty Lynas Rare Earths của Australia có trụ sở ở Malaysia là nhà sản xuất duy nhất trên thế giới về vật liệu đất hiếm phân tách bên ngoài Trung Quốc.

Trong đó, Nhật Bản đã hợp tác với Lynas từ năm 2010 khi Lynas phải vật lộn với tình hình tài chính khó khăn còn Nhật Bản thì bị Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm do lực lượng bảo vệ bờ biển nước này bắt giữ một tàu đánh cá của Bắc Kinh.

Amanda Lacaze, Giám đốc điều hành Lynas, cho biết hợp tác với Nhật Bản phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm là cách hiệu quả nhất trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc.

Vào thời điểm Lynas gặp khó khăn, Tập đoàn Sojitz Nhật Bản đã công bố các khoản cho vay và đầu tư cũng như cam kết tiêu thụ một phần đáng kể sản lượng trong tương lai của công ty này. Tập đoàn đa ngành lớn bậc nhất Nhật Bản cũng tăng cường tài trợ Lynas.

Bà Lacaze cho biết: “Nhật Bản đã phải theo sát chúng tôi trong 5 năm đầu tiên khi Trung Quốc cố tình ép giá xuống mức thấp nhất để buộc công ty phải ngừng hoạt động”.

Chính Nhật Bản đã giúp Lynas hồi sinh bằng cách mở rộng nguồn khách hàng cho công ty.

Tất nhiên, những nỗ lực của Nhật Bản cũng đã được đền đáp phần nào khi nền kinh tế thứ ba thế giới trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất nam châm đất hiếm trong năm 2020 và vẫn bảo vệ thành công thị trường của mình trước áp lực của Trung Quốc.

Với một mỏ ở Úc và nhà máy tinh chế ở Malaysia, Lynas sản xuất 12% oxit đất hiếm toàn cầu. Công ty này đã cung cấp khoảng 90% nguồn cung 2 nguyên tố đất hiếm là neodymium và praseodymium cho Nhật Bản.

Mỹ cũng hành động quyết liệt để cạnh tranh đất hiếm với Trung Quốc. Vào ngày 1/8, Washington hỗ trợ Lynas 258 triệu USD để thành lập một nhà máy tinh chế đất hiếm ở Texas nhằm tạo điều kiện hợp tác giữa hai bên.

Bên cạnh đó, việc công ty đất hiếm Mỹ MP Materials tăng cường khai thác mỏ đất hiếm Mountain Pass ở California sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển chuỗi cung ứng loại tài nguyên này. 

Không những vậy, thỏa thuận “Bầu trời mở” liên quan đến giao thương, hợp tác với Mông Cổ gần đây cũng giúp siêu cường số một thế giới tiến tới mở rộng nguồn cung loại nguyên liệu quan trọng bậc nhất cho công nghệ cao.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tỏ ra vượt trội không chỉ ưu thế về tài nguyên, công nghệ mà còn đưa ra nhiều chính sách hạn chế khôn khéo đối với đất hiếm.

Ngay cả khi được xây dựng thành công, các nhà máy của Lynas sẽ đối mặt với thách thức liên quan đến môi trường, trong đó có nhà máy ở Malaysia.

Hiện chưa rõ liệu mối quan hệ hợp tác giữa công ty này với cả Mỹ và Nhật Bản có đủ sức đe dọa đến địa vị thống trị của Trung Quốc hay không? Nhưng giới chuyên gia có lý do để tin tưởng vào một tương lai mà các thế lực khác trỗi dậy sẽ phá thế độc tôn trên thị trường đất hiếm của Bắc Kinh.