Cuộc chiến nguồn cung lương thực phủ bóng thế giới

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ukraine và Nga chiếm 1/3 tổng lượng xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn cầu. Cuộc xung đột Nga và Ukraine đang đẩy hàng triệu người trên khắp Bắc Phi, Trung Đông và các khu vực châu Á rơi vào nguy cơ nạn đói.

Bà Nina, 74 tuổi, nói chuyện với các phóng viên khi đứng cạnh những tòa nhà bị phá hủy bởi các trận pháo kích ở Borodyanka.  
Bà Nina, 74 tuổi, nói chuyện với các phóng viên khi đứng cạnh những tòa nhà bị phá hủy bởi các trận pháo kích ở Borodyanka.  

Một cuộc chiến khác

Mùa trồng trọt đã đến ở Ukraine. Những dấu hiệu đầu tiên của mùa Xuân đã xuất hiện rõ rệt nhưng khung cảnh im lìm vẫn tràn ngập nhưng những cánh đồng của gia đình nông dân Pavlovych. Hơn một tuần trước, gia đình biết tin người con trai 25 tuổi tham gia chiến sự đã thiệt mạng ở gần TP Mariupol và người cha sau đó cũng phải tham chiến.

Một chiến tuyến thứ hai trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đang dần hiện rõ và lan tới những thửa đất nông nghiệp ở miền Tây Ukraine, cách xa cuộc chiến kia. Đó là một cuộc chiến khó khăn cho những người nông dân không chỉ để nuôi sống đất nước mà còn cho cả thế giới: Cuộc chiến duy trì nguồn cung lương thực.

Cuộc chiến đã làm dấy lên bóng ma về tình trạng thiếu lương thực và bất ổn chính trị ở các nước phụ thuộc vào lúa mì của Ukraine, bao gồm Indonesia, Ai Cập, Yemen và Lebanon.

Hiện chưa rõ bao nhiêu nông dân sẵn sàng tiếp tục trồng trọt, chăm sóc vụ mùa trong bối cảnh chiến sự buộc những người như Pavlovych phải ra tiền tuyến, trong khi những thách thức không ngừng tăng lên.

Cơ sở hạ tầng - từ bến cảng, đường sá đến trang thiết bị nông nghiệp - bị tắc nghẽn và hư hỏng, đồng nghĩa với việc nguồn cung cấp thiết yếu như nhiên liệu khó có được và các tuyến đường xuất khẩu hầu như không thể tiếp cận. Các nhà sản xuất phân bón bị tê liệt do giao tranh gần đó, và mùa Đông kéo dài có thể ảnh hưởng đến sản lượng vụ Xuân.

Ivan Kilgan, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp khu vực Tây Bắc, cho biết khu vực Tây Bắc Lviv gần biên giới với Ba Lan, cách xa trung tâm - nơi được coi là vựa bánh mì của Ukraine ở phía Nam, đang được yêu cầu gieo hạt tất cả các cánh đồng. Tuy nhiên, những nỗ lực này cũng khó có thể giúp sản lượng đạt mức tiền chiến sự. “Chúng tôi đang kỳ vọng sản xuất hơn 50 triệu tấn ngũ cốc, con số trước đây là hơn 80 triệu tấn” - ông Kilgan cho biết.

Đứng trong một kho thóc lạnh giá chứa hơn 1.000 tấn lúa mì và đậu nành, ông cho biết sẽ trồng 2.000 ha trong năm nay, tăng từ 1.200 ha. Tuy nhiên để đạt sản lượng này cần gấp đôi số phân bón 300 tấn hiện có - một bài toán khác.

Lo ngại về việc nuôi sống người dân của mình, Chính phủ Ukraine đã hạn chế xuất khẩu yến mạch, hạt kê, kiều mạch, đường, muối, lúa mạch đen, gia súc và thịt. Theo giấy phép cụ thể, chỉ lúa mì, ngô, thịt gà và trứng, và dầu hướng dương được phép vận chuyển.

Châu Á - khu vực dễ tổn thương

Ở cấp độ toàn cầu, Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc - FAO đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn do cuộc chiến ở Ukraine đe dọa nguồn cung cấp các loại cây trồng chính. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi thế giới ngăn chặn "cơn bão đói" do sự gián đoạn đối với ngũ cốc từ Ukraine.

Theo một báo cáo gần đây của OECD, châu Á đã là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất. Cần lưu ý là 67% số người đói trên thế giới sống ở châu Á. Báo cáo Chính sách Lương thực Toàn cầu năm 2021 của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho các dự báo về Nam Á sau đại dịch đã rất đáng báo động, với tỷ lệ thất nghiệp dự kiến đạt 28% và dự báo tăng trưởng GDP điều chỉnh giảm 14%.

Ukraine và Nga cùng chiếm 1/4 thương mại ngũ cốc toàn cầu và chiếm 1/3 xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn cầu. Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm trên thế giới. Các nước có thu nhập thấp và trung bình là những bên hưởng lợi quan trọng từ lúa mì của Ukraine, với 55% lúa mì của nước này hướng đến châu Á và 40% đến châu Phi. Indonesia, Bangladesh và Ai Cập là một trong những nước tiêu thụ lúa mì Ukraine lớn nhất. Nga và Ukraine chiếm một nửa lượng lúa mì nhập khẩu của Bangladesh, trong khi 39% lúa mì của Pakistan đến từ Ukraine.

Ukraine cũng là nước xuất khẩu dầu hướng dương, bồ tạt và lưu huỳnh lớn nhất cùng với yến mạch và một số loại ngũ cốc khác được vận chuyển qua Biển Đen. Nhiều nước Đông Nam Á phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu này.

Do lúa mì, ngô và gạo chiếm 40% lượng calo tiêu thụ trên toàn cầu, sự leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp diễn có thể gây ra không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến dinh dưỡng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Hiện đã là mùa Xuân, mùa gieo hạt ở Ukraine và đất nước đang chịu các cuộc tấn công trên không và trên mặt đất, nông dân sẽ không thể gieo hạt.

Theo cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine, nếu chiến sự ngày càng trầm trọng, các sản phẩm nông nghiệp chính thống như hạt cải dầu, ngô và lúa mì có thể giảm sản lượng tới 10 - 50%. Trong một thế giới ước tính có khoảng 45 triệu người tiềm năng gặp nạn đói, tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine có thể rất thảm khốc.

Mối liên hệ giữa giá lương thực tăng và tình trạng bất ổn xã hội được thiết lập rõ ràng. Năm 1977, Chính phủ Ai Cập cắt giảm trợ cấp đối với lúa mì, dầu và các mặt hàng gia dụng hàng ngày khác, dẫn đến “bạo loạn bánh mì”. Giá lương thực tăng cũng đóng một vai trò quan trọng dẫn đến sự kiện Mùa Xuân Ả Rập.

Trên toàn cầu, lạm phát không có dấu hiệu giảm cùng với giá dầu vẫn ở mức cao. Ngoài ra, điều này sẽ dẫn đến tăng giá vận chuyển và tiếp theo là giá cả leo thang đối với tất cả các mặt hàng bao gồm cả thực phẩm. Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển của Nam Á và châu Á nhập khẩu chính qua Biển Đen sẽ dễ bị tổn thương hơn trước cuộc khủng hoảng tiềm tàng này.

 

Ở Đông Nam Á, Indonesia là một trong những quốc gia “thấm” ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine nhất. Theo Ratna Sari Loppies - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Các nhà sản xuất bột mì Indonesia cho biết, ít nhất 8 container bao gồm 160 tấn lúa mì cần cho bột mì đã bị mắc kẹt cho đến nay. Ukraine là nhà cung cấp lúa mì lớn thứ hai của Indonesia sau Australia.

Năm 2021, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã nhập khẩu 3,07 triệu tấn lúa mì từ Ukraine, chiếm 26,8% tổng lượng nhập khẩu của nước này, theo Bộ Thương mại Indonesia. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cảnh báo, sự tăng vọt về giá lương thực toàn cầu, bao gồm cả lúa mì và tình trạng kẹt container vận chuyển đang diễn ra trên toàn thế giới do sự gián đoạn của Covid-19 sẽ gây thêm áp lực lên giá nội địa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần