Cuộc chiến nhân tài ngày càng gay gắt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đứng thứ 82/109 nước và vùng lãnh thổ về năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu, theo báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu 2015 - 2016 (Global Talent Competitiveness Index - GTCI).

Với chủ đề “Thu hút nhân tài và Chuyển dịch quốc tế”, báo cáo năm nay nêu lên mối quan hệ trọng yếu giữa việc chuyển dịch nhân tài và khả năng phát triển kinh tế. Đứng đầu bảng xếp hạng là Thụy Sĩ và theo sát là Singapore. Singapore cũng là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong top 10 do sự cởi mở với giới kinh doanh và chất lượng cuộc sống cao.

Nhắm trúng bệnh

Trong khu vực Đông Nam Á (ĐNA), chỉ số GTCI của Việt Nam chỉ đứng trước Indonesia (90) và Campuchia (96). So với kết quả năm trước, thứ hạng của Việt Nam tại khu vực ĐNA và giữa các nước có mức thu nhập trung bình thấp không đổi, nhưng lại tụt 7 bậc trên bảng xếp hạng chung toàn thế giới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chỉ số GTCI được xác định dựa trên nhiều yếu tố. Đáng chú ý, trong hạng mục "Kỹ năng toàn cầu”, đánh giá việc sử dụng các kỹ năng cao để hỗ trợ các sáng kiến và tham gia vào kinh doanh, Việt Nam xếp hạng 52. Tuy nhiên ở mục "Lao động và tay nghề” Việt Nam bị tụt lại khi chỉ xếp hạng 95/109.

Kết quả này được coi là “nhắm trúng bệnh” của kinh tế Việt Nam. Nhận định chung của các chuyên gia trong thời gian qua là Việt Nam thiếu trầm trọng lực lượng lao động có kỹ năng nghề thành thạo, tuy nhiên ở một vài khía cạnh, Việt Nam cũng đạt được thành tựu nhất định so với thế giới. Sự “Đổi mới” và “Tinh thần kinh doanh” của Việt Nam được đánh giá khá cao nhưng tồn tại nguy cơ chảy máu chất xám lớn do thứ hạng về “Duy trì”, “Phát triển” nhân tài còn thấp, cản trở kinh tế phát triển.

Cạnh tranh để hội nhập

Bình luận về báo cáo năm nay, Hiệu trưởng INSEAD, ông Ilian Mihov khẳng định: “Chủ đề chuyển dịch quốc tế và thu hút nhân tài của GTCI năm nay rất phù hợp với bối cảnh khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Các nước Châu Á vốn được xem là nơi xuất khẩu nhân tài, tuy nhiên, kết quả nghiên cứu năm nay lại cho thấy xu hướng nhân tài chuyển dịch về lại khu vực này. Đi kèm đó là việc làm sẽ tìm đến nơi nhân tài đổ về như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam”.

Trong khi đó, ông Bruno Lanvin - Giám đốc điều hành của chương trình Chỉ số Toàn Cầu tại INSEAD, đồng tác giả của báo cáo nhận định, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - một trong những cột mốc quan trọng của việc hội nhập kinh tế trong khu vực sẽ có tác động lớn đến việc cạnh tranh nhân tài. Đại thể, mức độ hấp dẫn của Singapore như điểm sáng thu hút nhân lực trong những năm qua sẽ chịu sự cạnh tranh không nhỏ từ các nước láng giềng. Điều này sẽ khiến cho cuộc chiến nhân tài tại ASEAN càng gay gắt hơn.

Do đó, kết quả của báo cáo năm nay như một lời nhắc nhở, Việt Nam cần có kế hoạch ngay lập tức nhằm cải thiện các chỉ số có kết quả quá thấp, đồng thời lựa chọn trong những chỉ số có kết quả cao để đầu tư trọng điểm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh bền vững của Việt Nam so với các nước; nhất là các nước trong khu vực ĐNA hoặc cùng thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần