Cuộc đua mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mối bất hoà giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Hoa Đông và nhận thức về quá khứ lịch sử đã lây lan sang cả mối quan hệ với châu Phi.

Đúng vào dịp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm ba nước châu Phi là Ethiopia, Bờ Biển Ngà và Mozambic, Trung Quốc và Nhật Bản công khai chỉ trích lẫn nhau về chính sách của họ đối với châu Phi. Trong khi Nhật Bản hàm ý Trung Quốc dùng những công trình xây dựng lớn để lấy lòng các nhà lãnh đạo châu Phi thì Bắc Kinh phản pháo bằng cáo buộc Tokyo bỏ tiền mua lấy sự ủng hộ của châu lục này trong cuộc chạy đua vào vị trí thành viên thường trực mới trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Cả hai đều tăng cường tranh thủ và hợp tác với châu Phi. Trung Quốc đã cam kết tăng viện trợ phát triển cho châu Phi hàng năm lên 20 tỷ USD. Nhật Bản hiện thua kém Trung Quốc nhưng đã quyết chí bứt phá đuổi kịp. Trong chuyến đi châu Phi đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản từ 8 năm qua, ông Abe đã tuyên bố tăng viện trợ phát triển của Nhật Bản cho châu Phi hàng năm lên 14 tỷ USD và chứng kiến ký kết nhiều hiệp định và thoả thuận hợp tác kinh tế và thương mại giữa Nhật Bản và các nước châu Phi. Giống như Trung Quốc, Nhật Bản cũng đặc biệt coi trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Liên minh châu Phi.Thực ra, xét về phương diện lợi ích, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng cường coi trọng, hợp tác với châu Phi, lục địa vốn giàu tài nguyên bậc nhất thế giới để đảm bảo nguồn an ninh năng lượng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt vì tăng trưởng sản xuất. Không những thế, trong bối cảnh những thị trường nhập khẩu truyền thống tại châu Âu đang thu hẹp nhu cầu vì khó khăn kinh tế, châu Phi – lục địa rộng lớn gồm những nền kinh tế đang phát triển là một thị trường thay thế đầy tiềm năng. Ngoài ra, việc xác lập ảnh hưởng tại châu Phi – khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng sẽ giúp Bắc Kinh và Tokyo gia tăng vị thế trên bản đồ chính trị toàn cầu. Dù mục đích hướng đến châu Phi của Nhật Bản và Trung Quốc được biện giải rất khác nhau nhưng nhìn chung đều nhằm gia tăng lợi thế trong cuộc chạy đua mới mang tên “quyền lực mềm” tại các quốc gia nằm ngoài khu vực Đông Bắc Á.