Cuộc ngoại giao của văn chương Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/3, chuỗi sự kiện của văn chương Việt Nam (Hội nghị quốc tế quảng bá văn học...

Kinhtedothi - Sáng 2/3, chuỗi sự kiện của văn chương Việt Nam (Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III, Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ II và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13) đã khai mạc với chung một chủ đề: “Văn học Việt Nam, biểu hiện rực rỡ của khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc con người”. Giới cầm bút trong nước đang khấp khởi, cuộc “ngoại giao văn chương” quy mô lớn này sẽ mở ra những cơ hội để xuất khẩu văn học Việt.

Yếu tố “ngoại” trên bàn văn

Hơn 150 đại biểu của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã hội tụ cùng giới cầm bút Việt trong diễn đàn văn chương quy mô lớn này. Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương đích thực là 2 sự kiện “ngoại giao văn chương” khi nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Mục đích là giới thiệu một Việt Nam yêu văn chương và thơ ca đến bạn bè quốc tế, đồng thời quảng bá và xuất khẩu văn chương Việt Nam ra ngoài biên giới. Vì lẽ đó mà 2 sự kiện này được thực hiện bằng song ngữ Việt – Anh.

 
Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Quả là Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần này cũng rôm rả và nổi bật hơn khi được “đứng chung” trong chuỗi sự kiện về văn chương. Bởi nếu lần đầu tổ chức chỉ có 5 nước và vùng lãnh thổ tham dự, lần thứ hai hội tụ được hơn 30, thì lần này con số đã gấp 8 lần so với lần đầu tiên (40 nước và vùng lãnh thổ). Còn Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương, như Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, cũng là Tổng Thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi, hồ hởi cho biết, lần này có sự mở rộng về khu vực và sự xuất hiện của các nhà thơ tên tuổi, các đại diện của các tổ chức văn học lớn trên thế giới. Đó là nhà thơ Colombia Fenando Random - Tổng Thư ký Liên đoàn thơ thế giới, nhà văn Mohamed SaLmawy - Quốc vụ khanh Chính phủ Ai Cập, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Liên đoàn các Hội Nhà văn khối Arab… Đặc biệt là các nhà thơ Mỹ - những người quảng bá thơ ca Việt Nam đến nước Mỹ suốt mấy chục năm qua.

Riêng cuộc hội tụ truyền thống của thơ Việt vào mỗi độ Tết Nguyên tiêu khi đứng trong chuỗi sự kiện về văn chương này cũng gom vào đó những yếu tố “ngoại” như là những cái bắt tay hữu nghị, hội nhập. Ở đó, “Sân thơ trẻ” được thay thế bằng “Sân thơ quốc tế” với sự góp mặt của các nhà thơ, nhà văn quốc tế bên cạnh các nhà thơ trẻ Việt Nam. Và năm nay, không khí quốc tế cũng được mang đến Ngày thơ với triển lãm các hình ảnh giao lưu giữa văn học Việt Nam và thế giới, triển lãm các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài. Giới cầm bút đang vui như hội vì xem đây là cuộc liên hoan văn chương hoành tráng từ trước tới nay, nối tiếp các liên hoan mang tầm quốc tế của các môn nghệ thuật khác như Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan Âm nhạc Á – Âu…
Các sự kiện chính của chuỗi sự kiện: Khai mạc Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tối 2/3); Hội thảo về văn xuôi và thơ Việt Nam (sáng 3/3); Đêm thơ quốc tế tại Quảng Ninh (tối 3/3); Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ngày 5/3).

Kỳ vọng

Ngay từ khi phôi thai ý tưởng, những người tổ chức chuỗi sự kiện đã đặt mục tiêu: Cung cấp một tầm nhìn tổng thể về thành tựu, giá trị, bản sắc văn học Việt tới bạn bè quốc tế; tập hợp, động viên các nhà dịch thuật, nghiên cứu, xuất bản quốc tế quan tâm đến Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu các đối tác, tiến hành ký kết các hợp đồng xuất bản văn học Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới. Và hơn cả là qua các cuộc hội thảo, kinh nghiệm học được từ các bạn văn quốc tế, Hội Nhà văn sẽ kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc giao lưu văn hóa, chủ động giới thiệu các tinh hoa văn học Việt Nam ra thế giới.

Chính vì thế mà trước khi khai mạc chuỗi sự kiện, Ban Tổ chức đã có trong tay tập thơ song ngữ Việt – Anh “Khát vọng hòa bình” gồm 108 bài thơ của các tác giả Việt Nam trong 10 thế kỷ về dựng nước và giữ nước để giới thiệu với bạn văn nước ngoài. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: “Tập thơ cũng là cách xác nhận lòng yêu hòa bình, lòng yêu thi ca của dân tộc Việt. Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl hiệu đính tập thơ cho biết, ông tin rằng, nhiều NXB của Mỹ sẽ muốn xuất bản tập thơ này”.

Những người làm văn chương Việt không hão huyền khi kỳ vọng, ngoài việc cụ thể là tạo ra cầu nối hợp tác, các sự kiện này sẽ góp phần đánh thức tinh thần quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam ra thế giới; tạo ra tiếng nói về nghệ thuật và tinh thần của Việt Nam trên trường quốc tế một cách có chiến lược hơn.