Cước taxi đồng loạt tăng theo xăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại TP HCM, giá cước taxi tăng thêm 500-700 đồng một km ngay từ đầu tháng, còn tại Hà Nội nhiều hãng đang đề xuất tăng 500-1.000 đồng.

Từ tối 20/5, giá xăng RON 92 tăng 1.200 đồng lên 20.430 đồng một lít, cao nhất trong 6 tháng qua. Đây là lần tăng giá xăng thứ hai liên tiếp kể từ đầu tháng và lần thứ ba kể từ đầu năm. Giá xăng hiện tại đắt hơn 4.760 đồng so với mức đáy đạt được vào cuối tháng một, tương đương tăng hơn 23%. Với mức tăng nhanh chưa đầy 5 tháng trên, nhiều đơn vị taxi buộc phải lên kế hoạch điều chỉnh giá.

Sở hữu 600 đầu xe tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc taxi Hồng Minh cho biết hãng đang làm công văn để đăng ký tăng giá cước thêm 400-500 đồng. “Khả năng cuối tuần sau thì việc áp giá cước mới của công ty được thực hiện”, ông Minh cho hay.

 
Nhiều hãng taxi đã điều chỉnh tăng giá cước khi giá xăng tăng. Ảnh: GD
Nhiều hãng taxi đã điều chỉnh tăng giá cước khi giá xăng tăng. 
Theo ông Minh, nếu so sánh với những lần điều chỉnh giá xăng trước đó, thì hiện xăng đã tăng trên 3.000 đồng mỗi lít, trong khi các lần giảm giá trước, hầu hết các doanh nghiệp taxi đều hạ xuống còn 8.000-10.000 đồng một km. “Chỉ có một số đơn vị không giảm, song nếu nhìn khách quan tần suất điều chỉnh xăng trong 15 ngày như hiện nay đang gây bất lợi cho các hãng vận tải trong đó có doanh nghiệp taxi, khi mà thủ tục đăng ký tăng giá cước kéo dài gần bằng chu kỳ 15 ngày của giá xăng”, vị này nói.

Ông Minh cũng cho hay, mỗi lần điều chỉnh thủ tục xin phép cơ quan quản lý đã mất 5-8 ngày, đó là chưa kể thêm 2-3 ngày doanh nghiệp dừng chạy xe, in lại biểu cước giá.

“Bình quân một xe ngừng hoạt động hãng mất một triệu đồng, tổng cộng sau mỗi lần điều chỉnh lại cước, 600 xe của doanh nghiệp tổn thất tương đương 600 triệu. Đây là sự lãng phí lớn”, ông chia sẻ. Do vậy, theo vị này, cơ quan quản lý cần có cơ chế điều chỉnh giá xăng hợp lý hơn nữa để sau mỗi lần giá xăng dầu biến động, doanh nghiệp không phải tính toán, cân nhắc việc tăng hay giảm giá cước.

Đệ trình xin tăng giá cước sớm hơn so với Công ty Hồng Minh, mới đây Taxi Group đã chính thức điều chỉnh giá cước tăng lên 500 đồng một km. Cụ thể, xe 5 chỗ giá mở cửa là 12.000 đồng, dưới 32 km giá 14.400 đồng, trên 33km giá 11.500 đồng… Sun Taxi cũng không phải là ngoại lệ khi áp dụng giá cước mới đắt thêm 500 đồng một km với xe 5 và 7 chỗ (1-30km).

Trao đổi với VnExpress.net, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp taxi ở Hà Nội chưa hề điều chỉnh giá cước dù giá xăng trước đó đã tăng gần 20%. Tuy nhiên, đến 20/5, giá xăng tiếp tục tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội gặp khó. 

"Ron 92 đầu năm chỉ 15.780 đồng nay lên 21.030 đồng, như vậy, giá xăng đã tăng 33% so với đầu năm. Dù không muốn khách hàng chịu thiệt nhưng doanh nghiệp taxi buộc phải họp lại để điều chỉnh vì mức tăng trên quá cao. Dự kiến, các doanh nghiệp sẽ tăng thêm 500-1.000 đồng một km", ông Bình nói.

Ông cũng cho biết thêm, hiện nay để điều chỉnh giá cước doanh nghiệp cũng phải chịu tổn thất khá lớn. Theo tính toán của hiệp hội, trung bình một xe mất 500.000 đồng cho mỗi lần điều chỉnh. Trong đó bao gồm tiền kiểm định, in lại bảng giá cước, chi phí dừng xe... Như vậy, đối với doanh nghiệp có 5.000 xe cũng mất cả tỷ đồng. 

Trong khi các hãng taxi Hà Nội mới rục rịch tăng giá, thì tại TP HCM, hầu hết các hàng đã điều chỉnh giá cước từ 15/5.

Đại diện Tập đoàn Mai Linh cho biết, sau đợt tăng giá lần thứ 2 với 2.000 đồng một lít, đơn vị đã phải điều chỉnh giá cách đây 5 ngày với mức tăng thêm từ 500 đến 700 đồng một km ở thị trường TP HCM hôm 16/5. Do đó, khi giá xăng tiếp tục đắt thêm 1.200 đồng một lít, công ty sợ hàng khách "sốc" nên vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh tiếp.

Còn đối với Vinasun, hôm 15/5, hãng cũng đã điều chỉnh giá cước mới với mức tăng thêm 400-500 đồng một km tùy loại xe. Cụ thể, giá cước mới đối với loại xe 5 chỗ giá mở cửa là 11.000 đồng, trong phạm vi 30 km là 15.500 đồng một km, từ km 31 trở đi là 12.400 đồng một km. Đối với loại xe 8 chỗ, giá mở cửa là 11.000 đồng, trong phạm vi 30km là 16.500 đồng một km; từ km 31 trở đi là 14.400 đồng. Hãng này cũng cho hay, đợt tăng giá xăng lần thứ 3 này ở mức cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí vận chuyển nhưng để khách hàng yên tâm hãng chưa có ý định điều chỉnh tiếp.

"Giá xăng tăng 3 lần bằng với mức tăng hồi cuối năm ngoái nên đáng ra chúng tôi phải tăng thêm 1.500 đồng một km. Tuy nhiên, tăng mạnh thế sẽ khiến khách hàng sợ hãi nên buộc hãng phải bù đắp chi phí bằng cách hỗ trợ tiền thêm cho lái xe để bù đắp mức tăng trên", ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Thường trực Vinasun, kiêm Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM nói.

Ông cũng cho hay, Vinasun đang phải thực hiện chính sách hỗ trợ cho tài xế thêm 6.000-7.000 đồng một ca với xe 4 chỗ và 9.000-10.000 đồng cho lái xe 7 chỗ. Ngoài ra, hãng còn tốn thêm 600-700 triệu đồng khi điều chỉnh đồng hồ tính cước.

Ông Hỷ cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp taxi khác cũng vừa điều chỉnh tăng giá trước đó vài ngày, đồng thời, họ cũng đang trong tình trạng cầm cự vì lượng khách đi taxi trong thời gian gần đây giảm. Tuy nhiên, hiệp hội cũng sẽ kêu gọi các hãng hạn chế điều chỉnh tăng giá để đảm bảo lợi ích cho khách hàng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần