Thông số kỹ thuật chính của tên lửa phóng |
Đối tượng của cuộc thi là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước có kiến thức về khoa học vũ trụ. Sau khi gửi ý tưởng về cho Ban tổ chức và được chấp nhận, người dự thi sẽ tham gia vào quá trình thiết kế, chế tạo, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh. Phát động Cuộc thi Cansat 2016 với chủ đề “Vẻ đẹp Hà Nội từ trên cao”, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (TTVTQG) mong muốn dành cho các bạn trẻ cơ hội khám phá, tìm hiểu vẻ đẹp của Hà Nội thông qua việc học tập, thực hành về công nghệ vệ tinh. Các đội tham gia có cơ hội tìm hiểu về quy trình chế tạo vệ tinh, được hướng dẫn và thực hành thiết kế, chế tạo và thử nghiệm CANSAT. Ngoài ra, các bạn trẻ còn có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm từ những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chế tạo vệ tinh tại Việt Nam. Cuộc thi sẽ giúp kỹ sư tương lai có cái nhìn tổng quát về công nghệ chế tạo vệ tinh, cũng như kích thích sức sáng tạo không giới hạn của các kỹ sư trẻ đối với khả năng ứng dụng to lớn của ngành công nghệ này với đời sống. Đây cũng được coi là một bước tiền đề nhằm phổ cập và phát triển ngành công nghệ chế tạo vệ tinh trong tương lai. CANSAT sẽ được tổ chức gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn I, lựa chọn ứng viên; Giai đoạn 2, Thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh; Giai đoạn 3, Ngày hội CANSAT. Ngày hội CANSAT dự kiến được tổ chức cuối tháng 11. Vệ tinh được ban tổ chức lựa chọn sẽ được phóng bằng phương tiện của Trung tâm Vệ tinh quốc gia chuẩn bị tại Hòa Lạc. Vệ tinh CANSAT sẽ được thả từ độ cao 100 - 300m. Trong quá trình rơi tự do, vệ tinh sẽ thực hiện một số nhiệm vụ như: chụp ảnh, đo đạc, thu thập dữ liệu và gửi về trạm mặt đất.