Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc thi Nhiếp ảnh Việt Nam: Giám khảo “vừa đánh trống vừa thổi còi”?

Hà My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc thi “Nhiếp ảnh Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới” mới kết thúc đã vướng lùm xùm. Bởi, người trong cuộc cho rằng, Ban Giám khảo đã không công bằng khi “vừa đánh trống, vừa thổi còi”.

Tranh cãi quanh tác phẩm đoạt giải

Nhằm tạo tiền đề cho Giải thưởng Nhiếp ảnh Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Cuộc thi “Nhiếp ảnh Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới”. Đây được xem là một trong những giải thưởng danh giá nhất của ngành văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều tay máy bày tỏ, việc Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh, vừa là Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, vừa là Chủ tịch Hội đồng thẩm định và cũng là thí sinh là thiếu công bằng, không khách quan. Bởi lẽ, hai tác phẩm của ông Vũ Quốc Khánh đã vượt lên 1.793 tác phẩm khác (bao gồm cả sách và ảnh) để giành 1 giải A (trong số 8 giải A) chung cuộc và 1giải C (trong số 16 giải C) chung cuộc không được giới nhiếp ảnh đánh giá cao.

 Tác phẩm "Nụ cười Việt Nam" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh không được đánh giá cao ở tất cả các tiêu chí.

Tác phẩm "Nụ cười Việt Nam" đoạt giải A của ông Vũ Quốc Khánh được cho là không có gì xuất sắc ở tất cả các tiêu chí như: Ánh sáng, bố cục, đường nét, sự thăng hoa trong ảnh, độ khó của ảnh, khoảnh khắc tuyệt vời mà trong cuộc đời khó xảy ra lần hai. Hơn nữa, giữa ông và người mẫu ảnh từng xảy ra tranh cãi về vấn đề bản quyền của tác phẩm.

Đặc biệt hơn, ông Khánh là chủ tịch Hội và đã tự bỏ phiếu cho chính tác phẩm của mình là điều không công bằng.

Được biết, Giải thưởng “Nhiếp ảnh Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới” tập hợp các ảnh xuất sắc quốc gia trong suốt 30 năm qua. Giải xuất sắc quốc gia (XSQG) hàng năm là những tác phẩm đạt huy chương vàng, bạc, đồng trong nước và quốc tế. Mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh đều có một tác phẩm đoạt giải dự thi và một tác phẩm tự do dự thi giải XSQG nhưng những tác phẩm tự do đạt giải là rất hiếm.

Ở phần thi sách, cuốn sách đạt giải của tác giả Nguyễn Hữu Thành bị phản đối vì có quá nhiều lỗi, ảnh chụp không phân định được ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật. Cũng ở hạng mục này, việc nữ tác giả Ngô Thị Thu Ba đạt giải C cũng gây tranh cãi. Trước đó, tác phẩm dự thi của tác giải này bị trượt ở giải XSQG. Năm 2015, trong cuộc thi Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực TP Hồ Chí Minh, nữ tác giả Ngô Thị Thu Ba cũng từng bị phản đối khi giành giải vàng với bức ảnh “Phố đi bộ”.

 Tác phẩm "Phố đi bộ" của tác giả Ngô Thị Thu Ba từng gây tranh cãi khi đạt giải vàng cuộc thi Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực TP Hồ Chí Minh.

Trả lời báo giới về những lùm xùm khi giải thưởng vừa mới được công bố, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, cuộc thi nào cũng có những ý kiến trái chiều. Giải thưởng thu hút sự tham gia của hàng nghìn tác phẩm nên việc tranh cãi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, BTC đã làm việc một cách công tâm, thẳng thắn. Câu trả lời này của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam chưa làm thỏa lòng công chúng của bộ môn nghệ thuật ánh sáng.

Bệnh lâu năm

Có thể nói, sự việc này lại một lần nữa cho thấy, căn bệnh lâu năm của các Cuộc thi Nhiếp ảnh vẫn chưa được giải quyết. Hầu như Liên hoan, Cuộc thi nào cũng vướng phải những lùm xùm.

Còn nhớ, ngay sau khi công bố các tác phẩm đoạt giải, Giải thưởng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ 5 năm 2016 đã “vướng” lùm xùm khi tác phẩm đoạt Huy chương Vàng (HCV) bị tố “lắp ghép”. Tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An” sau khi công bố đoạt HCV Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ 5 (ngày 4/7) đã gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận. Nhiều người cho rằng đây là một sản phẩm lắp ghép bằng kỹ thuật photoshop vụng về. Ngày 9/7, Ban tổ chức đành phải rút lại HCV dành cho tác phẩm này. Tác giả Nguyễn Đắc Như cũng viết thư cho Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam xin rút toàn bộ ảnh triển lãm và ảnh đoạt giải.

 Tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như.

Trước đó, Liên hoan ảnh khu vực TP Hồ Chí Minh lần thứ 5 chủ đề “TP Hồ Chí Minh, 40 năm đổi mới” hồi tháng 8/2015 cũng bị nhiều tay máy bất bình vì chất lượng ảnh đoạt giải quá kém. Trung tuần tháng 5 vừa qua, 2 bức ảnh “Buổi sáng mùa đông” và “Vó đánh cá” của Nguyễn Trọng Nghĩa và Lý Hoàng Long lại gây xôn xao vì như… hai giọt nước. Hai tác phẩm lần lượt đoạt HCV FIAP tại cuộc thi ảnh quốc tế Arbella lần thứ 6 do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức năm 2016 và cuộc thi ảnh Trophy Gipuzkoa International 2014 tại Tây Ban Nha.

Hay tác phẩm “Về nguồn” được trao giải Nhất cuộc thi Ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc lần thứ 7 của Nguyễn Trang Kim Cương gây tranh luận vì tên ảnh không phù hợp với ảnh chụp nhóm khách nước ngoài đang khám phá Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Lý giải về điều này, Ban tổ chức nhận thiếu sót khi chấm ảnh mà không chấm tên ảnh… Đấy là chưa kể rất nhiều cuộc thi ảnh tại Việt Nam vướng lùm xùm vì photoshop quá đà, lắp ghép sai sự thật, ăn cắp bản quyền…

Không phủ nhận những đóng góp của môn nghệ thuật ánh sáng, nhưng các “fan” của nhiếp ảnh cảm thấy thất vọng không ít bởi tính sáng tạo, chân thực của ảnh có phần giảm sút. Cùng với đó, nhiều Ban Giám khảo chưa đủ trình độ để đánh giá tính chân thật cũng như tác phẩm có bị lắp ghép, chỉnh sửa sai thực tế hay không. Thậm chí, việc thành viên Ban Giám khảo “vừa đánh trống, vừa thổi còi” cũng gây thất vọng.

Có lẽ, chỉ khi nào tính nguyên gốc được chính các tác giả và Ban tổ chức coi trọng; sự công tâm và trình độ hiện hữu trong từng thành viên Hội đồng thẩm định, thì những cuộc thi ảnh mới lấy được niềm tin nơi công chúng.