Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc 2020: Tạo đà phát triển cho lớp diễn viên chèo kế cận

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, nhiều sự kiện đã được tổ chức với mong muốn bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo. Trong đó, cuộc thi tài năng trẻ sân khấu Chèo toàn quốc 2020 đang diễn ra tại tỉnh Hà Nam là một minh chứng rõ nét cho lòng yêu nghề vẫn đang rực cháy trong các thế hệ nghệ sĩ sân khấu chèo, đặc biệt là thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay.

Kế thừa tinh hoa nghệ thuật Chèo

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc 2020 đã đi được nửa chặng đường, với sự tham gia của 64 diễn viên trẻ thuộc 11 đơn vị sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Đồng hành cùng các thí sinh, hàng trăm nghệ sĩ tên tuổi đi trước, nhạc công trợ diễn. Qua đó cho thấy, cuộc thi không chỉ là của mỗi cá nhân nghệ sĩ mà là của cả các đơn vị cũng như thể hiện sự nỗ lực của cả ngành.
 Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn và  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng tặng cờ lưu niệm cho các thí sinh tham dự cuộc thi.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn - Trưởng ban tổ chức Cuộc thi chia sẻ: Qua công tác theo dõi, đánh giá và lắng nghe ý kiến trao đổi từ những chuyên gia, các nhà nghiên cứu về chèo thấy có những điều đáng mừng đó là đã có những đơn vị nghệ thuật rất quan tâm, trú trọng công tác đào tạo lực lượng trẻ kế cận và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ đăng ký tham gia cuộc thi để cọ sát, học hỏi các bạn diễn.
Đồng thời, trong cuộc thi đã xuất hiện những nghệ sĩ trẻ rất có năng khiếu khi chuẩn bị tập luyện trong thời gian ngắn nhưng đã có thể biểu diễn rất tốt các tiết mục, làn điệu chèo thuộc hàng khó, mà những chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá thông thường trước đây phải mất rất nhiều thời gian để học tập, rèn luyện mới có thể biểu diễn thành thạo. Qua đó cho thấy, lớp diễn viên trẻ hôm nay đã kế thừa tiếp thu được những tinh hoa của nghệ thuật chèo và hoàn thành xuất sắc các tiết mục dự thi.
 Thí sinh dự thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết: Bộ VHTT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn luôn giành sự quan tâm đặc biệt tới các cuộc thi và công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc 2020 là một trong những điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch này, bởi lực lượng trẻ có trình độ kế cận là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định cho sự tồn tại, phát triển của bất cứ loại hình nghệ thuật nào.

“Nếu chèo không còn những tài năng trẻ kế nghiệp cha ông thì sẽ đến lúc chúng ta chỉ có thể thưởng thức lại những làn điệu chèo thông qua màn hình vô tuyến hay trên các thiết bị âm thanh thu sẵn mà không còn cơ hội để trực tiếp say, trực tiếp chìm đắm, thả hồn nghe, xem các vở diễn như Lưu Bình Dương lễ, Nghêu Sò, Ốc, Hến, hay những trích đoạn Súy Vân giả dại hay Thị Màu lên chùa... của người nghệ sĩ trên sân khấu chèo” - ông Lê Minh Tuấn cho hay.

Vượt qua khó khăn

Hiện nay nghệ thuật truyền thống nói chung trong đó có nghệ thuật Chèo đang bị những loại hình nghệ thuật đương đại lấn át trên mọi phương diện, điều này tác động rất lớn đến định hướng nghề nghiệp của giới trẻ. Trong nhiều năm, khoa sân khấu truyền thống của các trường rất khó để tuyển đủ số lượng học sinh theo chỉ tiêu, một số bộ môn còn phải dừng đào tạo và điều này đang báo hiệu sự mai một của loại hình nghệ thuật và với nghệ thuật chèo.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã thực hiện sáp nhập các đơn vị nghệ thuật lại, ví dụ có địa phương sáp nhập 3 đoàn gồm chèo, kịch nói và cải lương thành một đoàn. Kinh phí cấp hàng năm chỉ đủ cho một loại hình nghệ thuật dựng vở, nếu chèo dựng vở, tiết mục thì cải lương và kịch thôi và ngược lại.
Bên cạnh đó, mức lương theo hạng, bậc của các nghệ sĩ đã thấp nhưng các khoản bồi dưỡng lại ngày càng ít đi do không có nguồn thu. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của các nghệ sĩ trẻ dành cho nghệ thuật chèo, bởi dân gian có câu “có thực mới vực được đạo” và chúng ta hiểu một cách thực tế, nếu thu nhập không đủ sống thì tình yêu dành cho nghệ thuật chèo cũng sẽ “chết”.
 Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn - Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi.
Vì vậy, để thu hút tài năng cho nghệ thuật truyền thống nói chung và Chèo nói riêng, ông Lê Minh Tuấn chia sẻ: “Chúng ta phải thay đổi cách thức tổ chức các liên hoan nghệ thuật theo kiểu đến hẹn lại lên với cách thức tổ chức quá cũ kỹ, lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện tại”.
Vừa qua, để chuẩn bị cho kế hoạch công tác năm 2021, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động báo cáo, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặt mục tiêu hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, đây sẽ là một văn bản quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều chục năm quản lý bằng quy chế, Thông tư, Nghị định.
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ tiến tới xây dựng một văn bản Luật có những quy phạm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển; tiếp theo là xây dựng một Đề án phát triển tài năng và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo Bộ VHTT&DL những nội dung, biện pháp trong định hướng phát triển sự nghiệp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật trong thời gian tới.