[Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường] Ấn tượng về một Thủ đô xanh - sạch - đẹp

Lê Thị Thu Thanh - Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người ta nói “trăm nghe không bằng một thấy”, muốn biết đô thị xanh là như thế nào, có lẽ nên đến Hà Nội. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây, dù trong thời gian không nhiều nhưng đủ để khám phá và cảm nhận về Thủ đô vừa tròn 1010 năm văn hiến. Cảnh quan cây xanh của từng đường phố, công viên đều được chăm chút tỉ mỉ, công phu. Màu xanh không chỉ đến từ các công viên, mà còn bởi từ những tuyến đường lớn hay nhỏ đều rợp bóng cây xanh thoáng mát.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Công Hùng
Một nét đẹp quyến rũ
Giữa mùa Hè nắng cháy da thịt của Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đến khu di tích Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long, các con đường ở đây rợp bóng cây xanh. Dưới bóng mát đó, dù nắng chói chang, nhiều người vẫn có thể thong thả tản bộ. Đi dạo dưới đường phố Hà Nội không khí trong lành, xua tan vẻ ồn ào khói bụi, chật chội, tạm quên đi những khó khăn trong đời thường. Ngồi ở Bờ Hồ an nhiên hít thở khí trời, ngắm nhìn những cặp uyên ương dạo bước bên nhau, lũ trẻ nô đùa. Những nhóm bạn, gia đình vui chơi, tôi chợt hiểu hơn cụm từ mà nhiều người thường nói về Hà Nội: Thủ đô yêu dấu, Thành phố vì hòa bình.

Hẳn những ai đến Hà Nội, cũng sẽ có cảm nhận như tôi, không thể không ấn tượng với hệ thống cây xanh của TP tạo nên nét đẹp thiên nhiên quyến rũ. Có những con đường cây xanh tỏa bóng mát cho người đi và mùi hoa sữa nồng nàn như đường Nguyễn Du, phố Quang Trung, đi vào ca khúc nổi tiếng “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa Hè…”. Điều cuốn hút hơn, Hà Nội bây giờ không chỉ ấn tượng bởi hoa sữa hay cơm nguội vàng mà còn bởi những rặng phượng vĩ, hoa sưa, những cây bàng lá nhỏ… được trồng quy hoạch theo từng tuyến phố. Hà Nội thực sự là TP của 12 mùa hoa, không chỉ trong thi ca, bài hát mà thực tế đang diễn ra.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường đô thị đang ô nhiễm, cây xanh thực sự cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống. Vì thế, Hà Nội đã có tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị gắn liền với cây xanh. Mang thiên nhiên vào nhà cũng là cách giáo dục mọi người ý thức bảo vệ môi trường, cách tích cực làm xanh môi trường, góp phần “Thủ đô Hà Nội xanh - sạch đẹp - văn minh”. Chính cây xanh tạo nên một dấu ấn trong lòng du khách mỗi khi đến Hà Nội.

Tôi yêu Hà Nội

Được biết nhiều năm qua, TP Hà Nội đã quán triệt các cấp, ngành đổi mới công tác vệ sinh môi trường, hoạch định lại cách thức và thay đổi những mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất công tác thu gom, vận chuyển rác thải, quét đường theo hướng cơ giới hóa. TP cũng đã tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phát động thực hiện phong trào “Nói không với túi nilon sử dụng một lần”. Qua đó hình thành các phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng tại các địa phương, góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Phong trào “Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp - văn minh” đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, có sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo người dân tích cực tham gia từ thành thị đến nông thôn.

Trong bài phát biểu hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại “Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa" ngày 9/6/2019, đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội hướng tới phát triển bền vững, với yêu cầu phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, với phát triển kinh tế, trong đó, chú trọng bảo vệ môi trường. Đồng thời nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới một TP xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại… Đó là cam kết của TP về thực hiện “Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia”.

Cho đến hôm nay, Thủ đô Hà Nội đã, đang và sẽ mãi mãi được giữ gìn, bảo tồn và phát triển, xứng danh với “Thăng Long – Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi”, mảnh đất kinh kỳ hơn nghìn năm văn hiến của Việt Nam. Hoàng thành Thăng Long sánh vai với các kỳ quan hàng ngàn năm của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO, mang ý nghĩa quốc hồn quốc túy độc đáo của Việt Nam. Du khách đến Hà Nội là đến với “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Những gì tôi thấy, cảm nhận được đó là, Hà Nội đang tồn tại và phát triển đúng nghĩa một di sản thế giới, Thành phố vì hòa bình mà cách đây 21 năm, Hà Nội là một trong 5 TP tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được UNESCO vinh danh (16/7/1999). Điều đáng trân trọng là, người Hà Nội có ý thức và tình cảm rất đặc biệt đối với những di sản của cha ông để lại; họ bảo vệ di sản như bảo vệ chính cuộc sống của mình.

Tôi yêu Hà Nội, yêu buổi sáng TP bị đánh thức bởi ánh nắng vàng rực rỡ, màu xanh của cỏ cây, hoa lá hòa trong sự ồn ã tiếng người cười nói, hối hả tiếng còi tầm, tiếng tàu xe. Bình minh ở Thủ đô ai ai cũng bận rộn, hối hả trong một ngày mới với những lo toan bộn bề công việc, gia đình nhưng vẫn đủ để người mới đến đây nhận ra nét thanh bình, tinh tế ẩn trong đó. Tôi yêu Hà Nội, yêu không khí tấp nập và nhộn nhịp của cuộc sống mưu sinh hàng ngày, yêu ánh đèn lung linh khi đêm về, yêu những con người đã chung tay xây dựng TP ngày càng phát triển…

Hà Nội ơi, nhất định tôi sẽ quay trở lại!
Bài dự thi xin gửi về: Ban Đô thị - Báo Kinh tế & Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội (điện thoại: 098.747.9898); Hoặc thư điện tử: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com. Mọi tổ chức, cá nhân quan tâm đến “Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020” có thể tìm hiểu thông tin trên báo Kinh tế & Đô thị điện tử tại địa chỉ: http://kinhtedothi.vn hoặc trên ấn phẩm báo in báo Kinh tế & Đô thị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần