Vĩnh Phúc: đấu giá 2 mỏ đất, tháo gỡ “nút thắt” vật liệu cho các dự án trọng điểm
Kinhtedothi - Trước tình trạng khan hiếm đất san lấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hàng loạt dự án xây dựng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đợt 1 năm 2025 với 2 mỏ đất tại huyện Sông Lô.
Đấu giá quyền khai thác 2 mỏ đất tại huyện Sông Lô
Cụ thể, 2 mỏ đất được đưa vào kế hoạch đấu giá gồm: mỏ đất san lấp khu Gò Vàu và khu Gò Da, thuộc thôn Thống Nhất, xã Phương Khoan. Trong đó, mỏ Gò Vàu có diện tích khoảng 5ha với trữ lượng gần 670.000 m³, còn mỏ Gò Da rộng 3ha, trữ lượng khoảng 400.000 m³. Cả hai mỏ đều chưa có kết quả thăm dò chi tiết, dự kiến tổ chức đấu giá trong tháng 6/2025.

Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiến hành đấu giá 2 mỏ đất tại huyện Sông Lô, nhằm tháo gỡ “nút thắt” vật liệu cho các dự án trọng điểm. Ảnh minh họa: Sỹ Hào
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Sông Lô và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và tổ chức triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định đối với khu vực khoáng sản đấu giá được phê duyệt; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
Qua tìm hiểu, PV Báo Kinh tế và Đô thị được biết, nhiều năm qua, đất san nền tại Vĩnh Phúc luôn trong tình trạng khan hiếm, khiến nhiều công trình quan trọng đình trệ hoặc phải tạm dừng thi công. Giá đất san lấp trên địa bàn dao động 150.000 - 160.000 đồng/m³ vận chuyển đến chân công trình - mức giá cao nhưng vẫn khó mua được do nguồn cung hạn chế. Nguyên nhân chính là phần lớn các mỏ đất san lấp trước đây đã hết hạn khai thác, không được cấp phép mới hoặc gia hạn, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.
Tháo gỡ khó khăn trong vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng
Việc phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm nguyên vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp) trên địa bàn, đối với 2 mỏ đất san lấp tại khu Gò Vàu và khu Gò Da, tại huyện Sông Lô nói trên là giải pháp cụ thể của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng.

Giá vật liệu san nền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện dao động từ 150.000 - 160.000 đồng/m³ nhưng vẫn khan hiếm nguồn cung. Ảnh minh họa: Sỹ Hào.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã có Văn bản số 2208/STNMT-KSTNN&KTTV ngày 12/8/2024 và Văn bản số 2266/STNMT-KSTNN&KTTV ngày 16/8/2024 đề nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (đất san lấp) trên địa bàn tỉnh năm 2024-2025; đề nghị khẳng định sự phù hợp các vị trí đề xuất đấu giá thí điểm quyền khai thác khoáng sản với quy hoạch tỉnh.
Góp ý kiến về các vị trí điểm mỏ cụ thể trong Dự thảo kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (đất san lấp) trên địa bàn tỉnh năm 2024-2025, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng có 7 vị trí tại huyện Sông Lô và 1 vị trí tại huyện Lập Thạch phù hợp với danh mục các vị trí được UBND tỉnh đồng ý tại Văn bản số 7664/UBND-CN3 ngày 22/9/2023.
Với 4 vị trí tại huyện Tam Đảo, đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc rà soát, bổ sung thông tin vị trí, diện tích đảm bảo phù hợp với các khu vực đã được UBND tỉnh đồng ý tại Văn bản số 7664/UBND-CN3 ngày 22/9/2023.
Ngoài ra, 2 vị trí tại huyện Bình Xuyên, theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 6/2/2024); và theo Quy hoạch chung đô thị Bình Xuyên (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2313/QĐ-UBND ngày 23/10/2023) thì khu vực đồi Đồng Giang, thôn Ba Gò, xã Trung Mỹ (tiếp giáp đường Vành đai 5 Hà Nội) là đất du lịch, dịch vụ. Do vậy, đề nghị không đưa vào danh sách đấu giá thí điểm và kế hoạch đấu giá giai đoạn 2024 - 2025.

Vĩnh Phúc: phát động thi đua “Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bình dân học vụ số”
Kinhtedothi - Chiều 9/5, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức phát động phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bình dân học vụ số”. Sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và kết nối trực tuyến đến 13 điểm cầu cấp huyện, xã cùng các doanh nghiệp, tiểu thương, người dân trên địa bàn.

Vĩnh Phúc: phát hiện hơn 1 tấn thịt lợn “bẩn” chuẩn bị đưa lên bàn ăn
Kinhtedothi - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện, bắt quả tang một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đang chuẩn bị quay chín hơn 1 tấn thịt lợn có biểu hiện xuất huyết ngoài da, không đảm bảo an toàn thực phẩm để cung cấp cho một công ty trong Khu công nghiệp Khai Quang.

Phú Thọ chuẩn bị chỗ ở cho hơn 4.400 cán bộ từ Vĩnh Phúc và Hòa Bình sau sáp nhập tỉnh
Kinhtedothi- Ngày 14/5, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang chủ trì hội nghị nghe các sở, ngành báo cáo phương án bố trí nhà ở lưu trú cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Vĩnh Phúc và Hòa Bình, chuẩn bị cho việc sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình trong thời gian tới.