KTĐT - Khác với những lần trước đây, hàng Việt Nam chỉ thể hiện sự cao cấp bằng giá bán thật cao, lần này sự “hạ thuỷ” các thương hiệu mới diễn ra bài bản hơn, ngay cả từ việc lựa chọn một cái tên.
Gần đây, sự xuất hiện của hàng chục nhãn hiệu hàng Việt Nam ở các vị trí chuyên dành cho hàng cao cấp như mặt tiền đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, trung tâm thương mại Saigon Paragon, Parkson, Saigon Centre… cho thấy các doanh nghiệp đang thử tìm cách khai thác phân khúc người tiêu dùng có thu nhập cao.
Tại trung tâm thương mại Parkson Flemington vừa khai trương trên đường Lê Đại Hành, quận 11, khách mua hàng có thể thấy khá nhiều các nhãn hiệu hàng Việt: Sanciaro, Manhattan, Viettien Smartcasual, Mattana, An Phước, Jemma, Gosto, Nino Maxx…
Tự tin thể hiện xuất xứ Việt Nam
Trên sản phẩm, các nhãn hiệu này đều ghi xuất xứ, chẳng hạn túi xách Gosto giá khoảng 8 triệu đồng được ghi sản xuất tại công ty kinh doanh và sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên. Chiếc ví cầm tay của Jemma giá hơn 1 triệu đồng là sản phẩm của công ty CAO Fashion (thuộc công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ). Túi xách da cá sấu giá 16 triệu đồng của Tồn Phát trên đường Lê Lợi ghi rõ sản xuất tại công ty Tồn Phát – Việt Nam…
Khác với những lần trước đây, hàng Việt Nam chỉ thể hiện sự cao cấp bằng giá bán thật cao, lần này sự “hạ thuỷ” các thương hiệu mới diễn ra bài bản hơn, ngay cả từ việc lựa chọn một cái tên. Bà Lê Diễm Thuý, giám đốc kinh doanh của Gosto nói: “Thương hiệu của chúng tôi là go-S-to có nghĩa là mang hình ảnh Việt Nam đi khắp nơi. Gosto có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập cao cấp, nhưng giá rẻ hơn, chúng tôi tự tin vào điều này vì Biti’s là nơi đang sản xuất cho nhiều nhãn hiệu thời trang toàn cầu”.
Tương tự như vậy, sản phẩm của Jemma bao gồm trang sức, túi xách, phụ kiện thời trang… nhắm tới khách hàng là giới văn phòng, giới trẻ và định vị chỗ đứng là thời trang cao cấp của Việt Nam nên ngay khi ra đời đã chọn vị trí xuất hiện là mặt tiền đường Đồng Khởi, là trung tâm thương mại cao cấp. Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, giám đốc CAO Fashion nói: “Tôi đã tiến hành khảo sát thị trường khá kỹ, đến tận các lò sản xuất hàng hiệu của các nhãn toàn cầu để tìm hiểu, thăm dò nhu cầu người tiêu dùng trong nước để thấy một bộ phận giới trẻ chuộng thời trang thích mốt, thích hàng đẹp với giá mềm hơn. Vì vậy Jemma ra đời định giá dưới 3 triệu đồng cho chiếc túi xách bằng da may đẹp và chất lượng tương đương hàng hiệu nước ngoài”.
Ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc tập đoàn Việt Tiến cho biết thêm: “Hàng hiệu Việt đã biết đưa ra những sản phẩm cập nhật và dự báo các xu hướng tiêu dùng. Chẳng hạn vải may quần áo làm từ cotton thiên nhiên, lông cừu cao cấp. Thành phần vải còn được xử lý bằng công nghệ hoặc pha trộn thêm thành phần chống bám bẩn, kháng khuẩn, khử mùi hôi… Màu sắc, hoa văn đúng theo mốt của 3 – 6 tháng tới, dịch vụ bán hàng cũng tăng theo giá món hàng”.
Yếu thế ở thương hiệu, niềm tin
Khách vào Parkson chọn hàng, khen mẫu đẹp, khen giá rẻ hơn hàng hiệu khác nhưng đến lúc ra quầy tính tiền xem trên nhãn có chữ xuất xứ công ty Bình Tiên, Việt Nam là quay lại trả hàng. Đánh giá thực tế này, bà Thuý nói: “Theo kế hoạch, lẽ ra thời điểm này Gosto phải có mười cửa hàng, nhưng chúng tôi chỉ mới mở được bốn, bởi người tiêu dùng chưa chấp nhận mua hàng nội địa giá cao”. Ông Đinh Tiến Na, phụ trách thương hiệu Sanciaro thì cho rằng, phải có khoảng thời gian đầu tư để người tiêu dùng Việt Nam trải nghiệm, hiểu và chấp nhận.
Ông Nguyễn Văn Khánh, người tiêu dùng ngụ ở quận 7 đánh giá: “Nếu xem chất liệu, giá cả, mẫu mã… thì hàng nội có khi không thua hàng ngoại. Nhưng nếu tôi mặc chiếc áo có logo của Hugo Boss, Pierre Cardin, Raph Lauren…, người ta biết ngay tôi đang xài đồ hiệu. Còn logo hình đầu con sư tử của Sanciaro (Việt Tiến), hay chữ A cách điệu của An Phước thì người đối diện không biết đó là hiệu gì”.
Như vậy, định vị khách hàng không thể chỉ bằng mức giá, mà phải mang lại cho người mua hàng sự tự tin, niềm hãnh diện khi xài sản phẩm. Hãnh diện này đến từ sự nhận biết của người khác – tức là sản phẩm phải được cả thị trường đánh giá và xếp loại là hàng cao cấp.
Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm nhận xét: “Hàng hiệu nước ngoài, nhất là hàng thời trang luôn gắn bó hình ảnh với sự dấn thân của những con người tạo dựng ra nó, phong cách và cá tính của những nhà thiết kế thời trang tài hoa. Chanel, Pierre Cardin, D&G… thể hiện khá rõ điều này”. Đây là điều hàng hiệu Việt Nam chưa có. Người của Biti’s biết sản phẩm của họ cung cấp cho các nhãn hiệu thời trang toàn cầu. Nhưng dường như Biti’s chưa biết cách để người tiêu dùng Việt Nam cũng biết điều đó. Trên con đường chinh phục người tiêu dùng ở phân khúc cao, người tiêu dùng đang chờ đợi những câu chuyện thể hiện gu thẩm mỹ, lối sống, phong cách của những nhân vật đại diện cho hàng hiệu Việt Nam, có thể là người đứng đầu hoặc nhà tạo mẫu.