Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cước vận tải khó giảm vì nhiều thuế, phí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi khi giá xăng dầu trong nước giảm giá, các đơn vị có chức năng ngay lập tức “hô hào” DN vận tải giảm cước.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại những gì mà các DN hoạt động trong lĩnh vực này phải gánh trong quá trình hoạt động, có thể thấy, đây là việc không đơn giản.

“Cõng” đủ loại thuế, phí

Theo thống kê, hiện một chiếc ô tô từ khi mua về hoạt động tại Việt Nam phải “cõng” khoảng… 15 loại thuế và lệ phí. Nhẩm tính đơn giản ngay thì một xe ô tô tại thị trường Việt Nam phải chịu 3 loại thuế bắt buộc gồm: thuế nhập khẩu linh kiện (10 - 30%) hoặc xe nguyên chiếc (50 - 70%); Thuế tiêu thụ đặc biệt (40 - 60% tùy dung tích xe); Thuế giá trị gia tăng (VAT 10%). Ngoài ra, thuế thu nhập DN 22% cũng được tính vào giá xe.
Hoạt động tại Bến xe khách Mỹ Đình. 	 Ảnh:  Nguyễn Đức
Hoạt động tại Bến xe khách Mỹ Đình. Ảnh: Nguyễn Đức
Trong khi đó, theo nhiều DN vận tải, để được phép lưu hành, những chiếc ô tô tiếp tục phải cõng thêm các loại phí như: Phí trước bạ (10 – 15% tùy TP); Phí cấp biển số (2 -  20 triệu đồng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh); Phí đăng kiểm (240.000 – 560.000 đồng/lần cấp); Phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật (50.000 – 100.000 đồng/lần cấp); Phí sử dụng đường bộ (phí bảo trì đường bộ và phí qua trạm thu phí BOT) với mức từ 130.000 – 1.430.000 đồng/tháng; Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự; Phí xăng dầu; Phí thử nghiệm khí thải và 3 loại phí không bắt buộc gồm phí bảo hiểm vật chất, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng… Đó là chưa kể các loại phí ngoài hóa đơn phát sinh trên dọc tuyến đường di chuyển. Và nếu làm một phép tính cộng, chỉ tính riêng việc “nuôi”… một xe ô tô (chưa tính xăng, dầu, nhân công, sửa chữa), mỗi năm DN vận tải cũng phải bỏ ra gần 30 triệu đồng. Mới đây, theo đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam, các phương tiện chậm nộp phí bảo trì đường bộ từ 1 - 12 tháng sẽ phải nộp phí bằng 105% mức phí hàng tháng nhân với số tháng chậm nộp; chậm nộp phí từ trên 12 - 24 tháng, sẽ phải nộp phí bằng 108% mức phí hàng tháng nhân với số tháng chậm nộp; chậm nộp phí từ trên 24 tháng sẽ phải nộp phí bằng 115% mức phí hàng tháng nhân với số tháng chậm nộp.

Đừng đổ lỗi cho giá xăng dầu

Trao đổi với chúng tôi, lái xe Trần Văn Phong chạy tuyến Hà Nội – Vinh cho biết, hiện tại, chạy từ Hà Nội vào Vinh và ngược lại các xe phải qua 4 trạm thu phí với mức thu 430.000 đồng/lượt. “Nếu cách đây 10 năm để chạy một chuyến nhà xe chỉ mất khoảng 2,3 triệu đồng, nhưng giờ con số này đã lên đến gần 7 triệu đồng/chuyến” – lái xe Phong cho biết. Đây cũng là phản ánh của nhiều lái xe chạy tuyến Hà Nội – Nam Định. Theo những lái xe này, khi giá xăng dầu trong nước giảm, các đơn vị quản lý ra sức hô hào, thậm chí sử dụng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu các DN vận tải giảm giá cước. Thế nhưng, khi giá xăng dầu trong nước tăng không thấy đơn vị nào hô hào các đơn vị vận tải tăng giá cước.

Theo ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội: Các cơ quan Nhà nước phải điều chỉnh giá cước vận tải một cách hợp lý để các DN vận tải có cơ hội phát triển một cách bền vững, tránh tình trạng chủ xe chạy được vài năm thì lỗ vốn phải bỏ của chạy lấy người, cũng theo ông Liên, việc các cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu các DN vận tải giảm giá cước vận tải cho phù hợp với giá xăng dầu trong nước là điều cần thiết để đảm bảo cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, với việc một xe ô tô phải “cõng” quá nhiều loại phí, phí chồng lên phí, các trạm thu phí BOT mọc lên như nấm sau mưa “bủa vây” các DN vận tải… thì đây là một nhiệm vụ bất khả thi. Do đó, để giá cước vận tải trở về giá trị thực, ngoài việc kiểm soát giá xăng dầu, các cơ quan Nhà nước cần phải xem xét điều chỉnh lại các khoản phí mà các phương tiện (xe ô tô) đang phải gánh, đặc biệt là phí thu tại các trạm BOT.
Có nhiều yếu tố tác động lên giá cước vận tải, trong đó, yếu tố đầu vào chiếm khoảng 40% chi phí vận chuyển. Ngoài ra, còn nhiều khoản phụ phí đi kèm như phí cầu đường, các chi phí dịch vụ cảng biển như phí hàng lẻ, phí lưu kho bãi, lưu container, phí nâng hạ, phí điều hành bến bãi, phí đại lý... Thế nhưng, ở Việt Nam, các cơ quan quản lý đang cố tình đổ lỗi cho giá xăng dầu mà bỏ qua những loại chi phí khác có giá thành cao như phí đường bộ.
ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội