Doanh nghiệp thiếu nguồn ứng viên
Vào dịp cuối năm, khi các DN có nhiều đơn hàng cộng với việc hoàn thành mục tiêu, kế hoạch thì thường có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Bởi vậy, các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện đều thu hút số lượng lớn DN tham gia tuyển dụng lao động.
Theo khảo sát, thu thập thông tin 12.356 việc làm trống của 4.681 DN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như: bán buôn, bán lẻ và hoạt động dịch vụ khác chiếm khoảng 50,08%, tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo – xây dựng chiếm 24,27%.
Các DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất ở vị trí nhân viên dịch vụ và bán hàng (chiếm 42,09%), tiếp đến là vị trí nhân viên trợ lý văn phòng chiếm 18,98%. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, các DN chủ yếu tuyển dụng người lao động có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 47,98%), tiếp đến là lao động phổ thông (chiếm 26,39%), công nhân kỹ thuật không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chiếm 9,55%.
Về mức lương, các DN chủ yếu trả cho người lao động mức lương từ 5 – 10 triệu đồng/tháng, chiếm 57,71% tổng số nhu cầu tuyển dụng lao động; tiếp đến là mức lương 10 – 20 triệu đồng/tháng, chiếm 14,84%.
Chia sẻ về việc tuyển dụng lao động thời điểm này, Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH Thương mại Minh Quang (địa chỉ: Khu công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) Phạm Văn Chiên cho biết: Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 50 nhân sự phục vụ cho mục tiêu kế hoạch sản xuất và kinh doanh cuối năm. Trong đó 70% là lao động phổ thông, mức lương 7 – 10 triệu đồng/tháng. Ngoài việc được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật, người lao động còn được công ty thưởng hàng quý, thưởng Tết.
Do việc tuyển dụng lao động rất khó khăn, thiếu nguồn ứng viên nên Công ty TNHH Thương mại Minh Quang và nhiều DN khác đã tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để được hỗ trợ kết nối với người lao động. Ngoài ra, các DN còn liên hệ tới các trường trung cấp, cao đẳng; mạng xã hội và những đơn vị cung ứng nhân lực có trả phí nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn không tuyển đủ lao động theo nhu cầu. “Hiện tại DN đang cố gắng vận động người lao động làm thêm giờ để đáp ứng kế hoạch sản xuất, kinh doanh” - ông Phạm Văn Chiên cho hay.
Tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động
Thời gian tới, cùng với sự phục hồi tích cực của nền kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính là xuất khẩu – tiêu dùng – đầu tư tạo động lực to lớn cho phục hồi thị trường lao động Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Dự báo về bức tranh thị trường lao động Hà Nội từ nay đến cuối năm 2024, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay: “Qua đánh giá, phân tích cơ sở dữ liệu và các kênh mà Trung tâm thu thập được cho thấy, một số nhóm, lĩnh vực, ngành nghề có xu hướng tuyển dụng tương đối nhiều hơn so với thời gian trước. Từ nay đến cuối năm, tập trung nhiều những ngày lễ lớn, các DN tăng nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, lao động thời vụ, làm việc bán thời gian. Những ngành nghề sẽ cần nhiều người lao động làm việc là: thương mại điện tử, dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến – chế tạo, xây dựng, vận tải, logistics”.
Với vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong việc thực hiện nhiệm vụ kết nối cung – cầu lao động, đặc biệt là hỗ trợ DN tuyển dụng và người lao động tìm kiếm việc làm, Trung tâm luôn căn cứ vào những định hướng phát triển của thị trường lao động. “Thời điểm này, chúng tôi xem những lĩnh vực, ngành nghề nào, nhu cầu tuyển dụng của DN ra sao để trên cơ sở đó tư vấn cho người lao động. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo định hướng đó; mời người lao động đến tham gia để gắn kết với DN đang có nhu cầu tuyển dụng”- ông Vũ Quang Thành thông tin.
Để việc tuyển dụng nhân sự gắn kết với thị trường lao động, từ nay đến cuối năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vẫn tiếp tục bám sát chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, trực tiếp là Sở LĐTB&XH Hà Nội, cũng như các chương trình, kế hoạch về công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn Thủ đô để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động giao dịch việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động đến các quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố, thôn xóm để người lao động biết nhiều hơn.
Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục thực hiện các hoạt động thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về cung – cầu lao động. Từ cơ sở dữ liệu đó, kết nối các hoạt động hỗ trợ DN cũng như người lao động cho phù hợp, nâng cao được tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động.