Cuối năm lại đau đầu vì xe dù, bến cóc

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nạn xe dù, bến cóc từ lâu nay đã trở thành vấn đề gây bức xúc cho người dân Hà Nội, nhất là dịp cuối năm cận Tết khi nhu cầu đi lại tăng cao.

Trong khi đó, lực lượng chức năng lại tỏ ra khá bối rối, dè dặt trước vi phạm, đặc biệt việc xử phạt DN đăng ký kinh doanh ngoại tỉnh nhưng đưa xe về Thủ đô hoạt động còn bị bỏ ngỏ.

Đi khắp hang cùng ngõ hẻm

Cứ vào dịp cuối năm, hiện tượng xe dù, bến cóc, xe khách trá hình, rùa bò ở Hà Nội gia tăng phức tạp. Bất chấp sự vào cuộc của các ban ngành và lực lượng chức năng, nạn xe dù bến cóc vẫn tồn tại dai dẳng, thậm chí, ngày càng hoạt động tinh vi, ngang ngược hơn.

Xe khách cỡ lớn ngang nhiên đón khách trên nhiều con phố ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Công
Xe khách cỡ lớn ngang nhiên đón khách trên nhiều con phố ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Công

Theo nhận định của lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, thời gian qua, hình thức vận tải hành khách tuyến cố định qua các bến xe có xu hướng giảm dần, tuy nhiên hình thức vận tải theo hình thức hợp đồng lại tăng mạnh. Loại hình xe Limousine dưới 10 chỗ đăng ký vận chuyển khách theo hợp bùng nổ mạnh mẽ, thực chất có không ít là xe khách trá hình.

Lợi thế của loại hình xe hợp đồng là có thể đi vào khắp hang cùng ngõ hẻm đón trả khách, thuận tiện cho một nhóm người dân có nhu cầu nhưng lại gây rất nhiều hệ lụy về trật tự, ATGT, văn minh đô thị. Thậm chí không ít nhà xe còn dùng cả loạt phương tiện cỡ lớn 45 chỗ ngồi hoặc giường nằm, cố ý đi sai lộ trình, lập văn phòng sâu trong nội đô đón trả khách.

Ghi nhận trên hàng loạt tuyến phố như: Trần Vỹ (quận Cầu Giấy), Lê Duẩn, đoạn trước của công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm)…, các nhà xe lập văn phòng dày đặc. Xe khách trá hình hoạt động tấp nập, thậm chí có không ít phương tiện bỏ bến, xe khách không đúng luồng tuyến di chuyển vô tư đứng giữa đường hàng giờ đồng hồ để tập kết hành khách.

Bà Hoàng Thị Luyến, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Hàng ngày, từ sáng sớm đến tối muộn, khu vực quanh công viên Thống Nhất như trở thành một bến xe khi hàng loạt xe hợp đồng dàn hàng đứng chờ khách. Nhất là những chiếc xe mang thương hiệu X.E Việt Nam, lúc đón khách thì quay ngang, xếp dọc, lúc nằm không thì đỗ bịt cả cửa công viên”.

Theo bà Hoàng Thị Luyến, tình trạng này đã diễn ra nhiều ngày, không chỉ gây bức xúc cho người dân sống xung quanh khu vực mà còn gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông, vào giờ cao điểm, phương tiện di chuyển cực kỳ khó khăn.

Tương tự, anh Nguyễn Thế Hào, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: “Từ nhiều tháng qua, dọc tuyến đường Trần Vỹ mọc lên hàng loạt nhà xe như: Dũng Minh, Bình An, Phú Quý, Nguyên Hằng…”.

Hàng ngày, có hàng chục lượt xe khách cỡ lớn, gắn mác hợp đồng hoạt động tấp nập. Hàng hóa và cả hành khách được các nhà xe này tập kết lấn chiếm toàn bộ vỉa hè, thậm chí là cả lòng đường khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Những nhà xe này đón khách bất kể ngày đêm, khiến an ninh trật tự khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Trên các tuyến đường quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm…, hiện tượng xe rùa bò vẫn diễn ra phức tạp, tăng thêm áp lực cho giao thông, gây bức xúc cho người dân. Càng cận Tết, nhu cầu đi lại tăng cao, xe khách trá hình, rùa bò, xe dù bến cóc lại càng nở rộ kéo theo nhiều hệ lụy nhãn tiền.

Bối rối với vi phạm

Nhằm qua mặt lực lượng chức năng, nhiều DN vận tải thường lập hợp đồng vận chuyển khách giả. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, bản hợp đồng giả này giống như lá bùa hộ mệnh, khiến CSGT, Thanh tra GTVT cực kỳ bối rối.

Cuối năm lại đau đầu vì xe dù, bến cóc - Ảnh 1

Ví dụ như các văn phòng xe trên phố Trần Vỹ. Ngày 21/11, phóng viên Kinh tế & Đô thị đi cùng Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) trong việc tiến hành kiểm tra, hoạt động đón trả hành khách, hàng hóa dọc tuyến đường nêu trên. Thời điểm kiểm tra có nhiều xe khách 45 chỗ, sử dụng phù hiệu Xe hợp đồng nối đuôi nhau xếp hàng dài ngang nhiên đón khách. Khi được yêu cầu kiểm tra, những nhà xe này sẵn sàng trưng ra bản hợp đồng và danh sách hành khách được lập trước đó để chống chế.

Suốt quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ lập được một biên bản xử phạt xe khách 13 chỗ của Công ty CP Vận tải hành khách 2 - 9 Sơn La mang BKS: 26F-000.42 với lỗi vi phạm “Không chạy đúng tuyến đường vận tải quy định” do đây là xe khách tuyến cố định.

Còn các xe hợp đồng cỡ lớn xung quanh đều khiến CSGT bó tay. Hơn nữa, ngay cả đối với xe khách mang BKS: 26F-000.42, CSGT Hà Nội chỉ xử lý được lỗi của lái xe, còn hình thức phạt dành cho DN chủ quản thì phải Thanh tra Sở GTVT Sơn La mới xử lý được.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng úy Đào Ngọc Đông - Cán bộ đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Dịp cuối năm, tình trạng xe dù bến cóc hoạt động tương đối phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Mặc dù lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm nhưng những nhà xe này lách luật rất tinh vi, bằng cách lập văn phòng, tạo hợp đồng hay dừng, đỗ tại những vị trí không có biển cấm để bốc xếp hàng hóa, đón khách... rất khó để bắt lỗi xử phạt”.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho rằng, Hà Nội đã nhức nhối với vấn nạn xe dù bến cóc, xe khách trá hình gây ùn tắc, mất an ninh trật tự nhiều năm qua. Mỗi dịp cận Tết, áp lực giao thông của TP tăng vọt, trong đó cũng có nguyên nhân rất lớn từ loại hình vi phạm này.

“Lực lượng chức năng vẫn loay hoay hướng xử lý, biết rõ là xe khách trá hình, vi phạm nhưng không thể xử phạt khiến nhà xe ngày càng nhờn luật, lộng hành, diễn biến phức tạp hơn. Thực trạng này phản ánh sự lỏng lẻo, thiếu hiệu quả từ quy định của pháp luật. Vấn đề này cần sớm phải rà soát, sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế cuộc sống” - thạc sĩ Vũ Tuấn Linh nhận định.

 

"Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra xử lý của lực lượng CSGT, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, công an sở tại và cả lực lượng Thanh tra GTVT để xử lý triệt để tình trạng xe dù, bến cóc." - Thượng úy Đào Ngọc Đông - Cán bộ đội CSGT số 6, Công an TP Hà Nội