Chạy đua huy động, lãi suất VND tăng caoSau 2 đợt tăng trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất gửi tiết kiệm trong tháng 11. SHB, VP Bank, Techcombank… đều tăng thêm lãi suất tiền gửi VND, thậm chí lãi suất huy động của SHB lên tới 7,8%/năm với loại hình Tiết kiệm bậc thang theo số tiền.
Công ty Chứng khoán BSC dự báo, trong 3 tháng tới áp lực lãi suất, tỷ giá vẫn lớn. Yếu tố trong nước là áp lực lạm phát, nợ xấu, thanh khoản do nhu cầu tăng vốn. Yếu tố bên ngoài là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, chiến tranh thương mại và chính sách tỷ giá của Ngân hàng T.Ư Trung Quốc tiếp tục gây tác động lên đồng USD. |
Ngoài ra, việc VietinBank, BIDV gia tăng lãi suất huy động từ 0,1 – 0,3%/năm cũng đã khiến nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn ngồi không yên. Ở nhóm ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi suất huy động hiện nay cũng có mặt bằng cao đáng kể so với các tháng trước và cũng cao hơn mức trung bình của các ngân hàng trong nước như Viet Capital Bank, Indovina… Hiện, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 8%/năm. Động thái này được nhiều nhà băng lý giải là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng đang dần tăng trong những tháng cuối năm. Do vậy, bước vào mùa cao điểm, các ngân hàng thường điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút lượng lớn tiền nhàn rỗi từ khách hàng. Ngoài ra, cuộc đua tăng lãi suất cũng nhằm đáp ứng quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn phải giảm từ mức 45% xuống còn 40% vào đầu năm 2019, theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-NHNN.Chuyển hướng cho vay nhỏ lẻTình trạng lãi suất ở mức cao vào 2 quý cuối năm cũng đã từng xuất hiện ở nhiều năm trước và khả năng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong dịp Tết Nguyên đán và đầu năm 2019. Lãi suất huy động thiết lập mặt bằng mới khiến nhiều DN lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới. Theo nhận định của các ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng vẫn đang ổn định, một vài ngân hàng điều chỉnh tăng nhưng chưa có nhiều biến động lớn. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thuộc khối cổ phần khẳng định sẽ giữ ổn định lãi vay cho khách hàng đã có dư nợ hết năm nay. Đặc biệt, những DN được giữ ổn định lãi suất cho vay khi đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, có hàm lượng công nghệ cao. Tuy vậy, với một số NHTM còn rất ít hoặc không còn room tín dụng phải nâng lãi suất huy động, đã đẩy mạnh cho vay vốn ngắn hạn để tăng vòng quay vốn. Đơn cử như cho vay tiêu dùng, tại nhiều ngân hàng cho thấy, lãi suất tín dụng tiêu dùng (không tín chấp) dao động từ 16 - 20%/năm và cá nhân chỉ được vay hạn mức tối đa gấp 5 lần thu nhập. Với khoản vay có tài sản thế chấp, lãi suất cho vay thấp hơn và hạn mức được cấp tối đa khoảng 500 triệu đồng. Trong khi đó cho vay bất động sản vẫn tăng và đang bị các ngân hàng siết lại. Dự báo vào dịp cuối năm, nhu cầu vay vốn tiêu dùng như mua nhà, sửa nhà, mua ô tô… sẽ tăng lên. Tùy thuộc vào định hướng tín dụng của từng ngân hàng, một vài ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất cho vay đối với từng phân khúc phù hợp, đảm bảo theo đúng quy định.