Tuesday, 09:45 23/02/2016
Cuối năm sẽ có đánh giá sơ bộ về an toàn công trình cũ tại đô thị
Kinhtedothi - Ngày 22/2, Bộ Xây dựng đã có cuộc họp triển khai Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/2/2016 về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị.
Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với các nhà chung cư, nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng và các công trình xây dựng khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn tại các đô thị trên cả nước. Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung chính sách xử lý đối với các công trình thuộc diện phải phá dỡ.
Việc kiểm tra, đánh giá chung cư nguy hiểm đã được Bộ Xây dựng thực hiện thường xuyên qua các năm. Tuy nhiên, sau sự cố sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tham mưu với Chính phủ ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg năm 2016 nhằm tổng kiểm tra, rà soát đánh giá các chung cư cũ xây dựng trước năm 1994, các nhà công cộng có niên hạn trên 60 năm và các nhà nguy hiểm khác trên tất cả các đô thị trên cả nước.
Khẩn trương thực hiện Chỉ thị, Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng đến tháng 4/2016 ban hành quy trình đánh giá kiểm định các nhà nguy hiểm. Sau đó, sẽ tiến hành tập huấn cho các chuyên gia và đơn vị kiểm định trên cả nước. Có 2 bước đánh giá là đánh giá sơ bộ trên đối tượng tổng thể bằng phương pháp trực quan và kiểm định chi tiết. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, dự kiến, kết thúc tháng 12/2016, sẽ có đánh giá sơ bộ tổng số khoảng 12.000 - 15.000 đối tượng nhà. Đến năm 2017, sẽ kiểm định chi tiết, ước chừng 30% đối tượng nhà có dấu hiệu nguy hiểm, nhà cũ để kết luận gia cường hoặc di dời khẩn cấp.
Hiện nay tại các đô thị trên cả nước vẫn còn tồn tại nhiều nhà chung cư và công trình công cộng được xây dựng từ lâu, đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp. Nhiều công trình đã hư hỏng, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng, gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng và trên thực tế đã xảy ra những sự cố đáng tiếc như sập, đổ công trình, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân. Nguyên nhân do các công trình này trải qua quá trình sử dụng đã lâu, đan xen nhiều hình thức sở hữu, nhiều người sử dụng, thiếu sự quản lý chung. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình được ban hành trước đây chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Mặt khác, do thiếu nguồn vốn và sự quan tâm của các cấp, các ngành dành cho công tác bảo trì, sửa chữa các công trình này nên việc quản lý, sử dụng cũng như công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực để thực hiện bảo trì, sửa chữa, khắc phục và xử lý đối với các công trình này chưa được kịp thời và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.