Nhu cầu tín dụng cá nhân tăng
Chị Trần Thu Thảo (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Vợ chồng tôi lấy nhau được hơn 15 năm, căn nhà của gia đình đã xuống cấp, 2 vợ chồng cũng tính tích góp để sửa lại cho đẹp. Số tiền dư không nhiều mình phải tính đến việc vay ngân hàng và cũng tìm hiểu được một số đơn vị cho vay ưu đãi”.
Anh Nguyễn Hùng (ở Hà Đông, Hà Nội) có nhu cầu mua ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại do nhà ở khá xa công ty. Lúc đầu a Hùng định vay bạn bè, người thân. Nhưng khi thấy ngân hàng cung cấp khoản vay rất ưu đãi, nên anh Hùng đã quyết định vay ngay. Anh Hùng cho biết, với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm hoàn toàn nằm trong khả năng trả nợ.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua của người dân cũng đang dần tăng trở lại. Theo Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước đang phục hồi nhanh, 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước… Tín dụng tiêu dùng nhờ đó cũng kỳ vọng được phục hồi.
Nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều gói ưu đãi nhằm tăng sức cầu. Thống kê từ các ngân hàng, có hơn 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai như gói 20.000 tỷ đồng của Agribank, gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng của HD Saison và FE Credit cho khách hàng là công nhân lao động.
Các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB, VIB, HDBank... đều đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc HDBank Trần Hoài Nam cho biết, cầu vốn cá nhân tăng trưởng tốt. HDBank có Công ty Tài chính HD SAISON đã xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vay tiêu dùng và ghi nhận gói tín dụng này giải ngân khá tích cực. Các hình thức phát triển tín dụng tiêu dùng trên các nền tảng điện tử, nền tảng số để giúp khách hàng có nhiều lựa chọn gói vay vốn phù hợp, tiết kiệm thời gian xử lý khoản vay cũng cần được quan tâm, chú trọng.
Theo các ngân hàng, các gói cho vay với lãi suất siêu thấp, thủ tục vay đơn giản, đặc biệt là vay dưới 100 triệu đồng không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi đang kích thích người tiêu dùng tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Đáng chú ý, từ 1/7 vừa qua, Thông tư 12/2024/TT-NHNN có hiệu lực, cho phép khách hàng vay khoản nhỏ dưới 100 triệu đồng mà không cần cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Khách hàng chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp và đảm bảo khả năng trả nợ là có thể được giải ngân. Đây là một cú hích quan trọng để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng thời gian tới.
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cuối năm
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là hướng đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của tín dụng ngân hàng. Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD.
Tại ACB, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt 550.000 tỷ, tăng 12,8%. Lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, tăng trưởng về tín dụng cho thấy ACB đang đi đúng hướng theo mục tiêu cân bằng tăng trưởng tín dụng ở cả phân khúc cá nhân và doanh nghiệp, báo cáo cho thấy 2 phân khúc này đều tăng trưởng trên 12% so với đầu năm.
Đại diện TPBank kỳ vọng, tăng trưởng cho vay dư nợ tiêu dùng cuối năm khoảng 25%, trong đó riêng dư nợ các sản phẩm vay tiêu dùng qua kênh số sẽ tăng trưởng 35%, đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Quý III vừa qua VPBank đã hợp tác với Lotte C&F Việt Nam, trở thành tiền đề để hai bên khai thác thế mạnh song phương và tận dụng cơ hội từ sức mua mạnh mẽ của thị trường gần 100 triệu dân mang lại. Bên cạnh đó, ngân hàng đã trở thành đối tác chiến lược của hãng xe điện BYD tại Việt Nam, cung cấp gói tín dụng cho người mua xe với các chính sách vay ưu đãi và cơ chế vay tinh gọn.
“Từ nay đến cuối năm, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh, được dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô” - chuyên gia phân tích MBS Research nhận định.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, cho vay mua nhà có thể dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới, khi lãi suất ở mức thấp và thị trường bất động sản dần hồi phục.
Phó Thống đốc Ngân hành Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, từ nay tới cuối năm, ngoài các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN cũng chỉ đạo ngân thương mại quan tâm đối với tín dụng tiêu dùng. Đây là lĩnh vực càng đẩy mạnh được càng tạo điều kiện thúc đẩy tăng khả năng tiêu dùng, và đẩy mạnh cầu tiêu dùng mới kéo theo cầu sản xuất được.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện rào cản lớn nhất với cho vay tiêu dùng - ngoài vấn đề sức cầu - chính là khả năng thu hồi nợ. Việc tích hợp định danh điện tử đang hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng, công ty tài chính trong chấm điểm tín dụng với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức trả nợ của người vay.
Phía ngân hàng cũng kỳ vọng gói tín dụng cho vay phát triển nhà ở xã hội hiện được NHNN trình Chính phủ sửa theo hướng tăng mức ưu đãi cho người mua nhà, lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn. Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1%-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại, sẽ là động lực để thúc đẩy cho vay tiêu dùng trong thời gian tới.
Với những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, cùng với các chính sách giảm thuế, phí VAT và đặc biệt các gói ưu đãi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp của các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả. Các ngân hàng sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp và cá nhân khi họ tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất. (TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế , Tài chính, Bộ Tài chính)