Cười ra nước mắt

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ hơn năm nay, nhất là từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, một trong những thông tin mà mọi người quan tâm là những diễn biến của dịch Covid-19.

Mỗi sáng, mỗi trưa và mỗi tối, qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội, người dân lo ngại khi số ca dương tính tăng nhanh, thở phào nhẹ nhõm về những ca nghi mắc được xác định âm tính, mừng vì thêm nhiều ca được ghi nhận đã khỏi bệnh...
Có tin gây lo ngại, có tin vui, tin buồn và có cả những thông tin khiến người ta cười ra nước mắt. Chẳng hạn như thông tin phát đi từ UBND thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, yêu cầu những người đã tụ tập xem đám cháy Cửa hàng điện máy Thái Viên xảy ra sáng 23/6 tại địa phương này liên hệ với cơ sở y tế để khai báo y tế và được hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19. Lý do là trong số những người đứng xem đám cháy từ lúc 7 giờ đến 7 giờ 30 ngày hôm đó có một F0.
Câu chuyện cười ra nước mắt này khiến ta lại nghĩ đến tính hiếu kỳ của nhiều người dân Việt Nam, trong đó có người Hà Nội. Đã nhiều lần các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin và phê phán tình trạng người dân hiếu kỳ, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng để xem các lực lượng chức năng tháo gỡ bom mìn, truy bắt tội phạm có vũ khí nóng đang cố thủ hay cứu chữa một đám cháy đang bùng phát…
Ngay ở Hà Nội, không phải chỉ một lần diễn ra cảnh người dân đứng chật cứng trên một khúc cầu Long Biên để xem lực lượng công binh trục vớt những quả bom còn sót lại trong chiến tranh ngay khu vực gầm cầu. Lần gần đây nhất cách đây chừng một năm, ngày 22/6/2020, đúng vào giờ cao điểm buổi chiều, rất đông người dân đứng chật kín trên cầu để xem trục vớt quả bom dài 1,6m, còn sót lại từ thời chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Tình trạng này không chỉ khiến giao thông trên cầu tắc nghẽn mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Còn có thể kể ra nhiều ví dụ tương tự, không chỉ ở Hà Nội.
Có thể nói hiếu kỳ là bản tính của con người. Nhưng hiếu kỳ đến mức có thể tụ tập xem một đám cháy, một vụ tai nạn, thậm chí một vụ xử lý bom mìn, vây bắt tội phạm có vũ khí nóng… thì quả là hành vi đùa giỡn với tính mạng của chính mình. Điều đáng nói là căn bệnh hiếu kỳ một cách vô bổ và nguy hiểm nói trên, dù đã được phân tích, mổ xẻ, lên án… nhưng xem ra vẫn cứ tồn tại. Biểu hiện gần đây nhất là câu chuyện đám đông xem đám cháy cùng F0 ở Đông Hòa, Phú Yên.

Nếu trước kia, việc tụ tập hiếu kỳ xem xử lý bom mìn hay vây bắt tội phạm, nguy cơ là có thể nhìn thấy, và chỉ đe dọa những người hiếu kỳ có mặt tại hiện trường thì trong thời buổi dịch Covid-19 hoành hành này, hành vi hiếu kỳ như việc xem đám cháy ở Phú Yên có thể gây tác hại cho cả cộng đồng bởi nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Dễ hình dung ra sự tốn kém về công sức, tiền của phải bỏ ra để truy vết những F1, F2 bắt nguồn từ ca F0 có mặt tại đám cháy ấy để khoanh vùng, cách ly, điều trị.

Các nhà khoa học đã cảnh báo thế giới còn phải sống chung lâu dài với dịch bệnh Covid-19. Ở nước ta, trong điều kiện việc tiêm vaccine còn chưa đạt tỷ lệ cần thiết, việc tụ tập đông người ở nơi công cộng được khuyến cáo là rất nguy hiểm, tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan. Thời gian qua, để phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng đã hình thành những thói quen tốt như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, vứt rác đúng nơi quy định…
Mặt khác, cùng với những thói quen lành mạnh đó, để có thể an toàn trong dịch bệnh, mỗi chúng ta cần nhận thức rõ hơn về tác hại của những hành vi mà lâu nay tưởng như vô hại, như thói hiếu kỳ đến mức bất chấp mọi hậu quả để thỏa mãn trí tò mò theo tâm lý đám đông, coi nó như một căn bệnh cần loại bỏ.
Bởi trong khi thỏa mãn sự hiếu kỳ vô bổ của mình, nhiều người đã quên mất việc bảo vệ sự an toàn của bản thân và gia đình, cộng đồng, tạo môi trường cho dịch bệnh lây lan, như trong câu chuyện cười ra nước mắt ở Đông Hòa, Phú Yên.