Cuối tháng 8, Bộ Y tế công bố “ăn cá biển được chưa”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên kết quả xét nghiệm các mẫu hải sản được lấy tại 4 tỉnh miền Trung, Hội khoa học của Bộ Y tế sẽ đánh giá và đưa ra câu trả lời chính xác liệu cá ở các tỉnh này đã an toàn và ăn được chưa.

Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây công bố nước biển tại 4 tỉnh miền Trung “sạch, tắm được”, số lượng mẫu hải sản không đảm bảo an toàn đã giảm đi rất nhiều. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ngành y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu cá ở cảng cá, chợ cá và sẽ lấy thêm ở các đầm nuôi để xét nghiệm. Từ đó, Hội động khoa học của Bộ, gồm cả lãnh đạo các Viện khoa học sẽ đánh giá xem cá ở 4 tỉnh miền Trung đã an toàn, cá vùng nào ăn được, vùng nào chưa… “Bộ Y tế sẽ cố gắng sớm nhất để có câu trả lời, chậm chất là cuối tháng này”, bà Nga nói.

 Sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường ở miền Trung, ngành y tế đã lấy hơn 430 mẫu hải sản ở các chợ cá, cảng cá- nơi tập trung tất cả các loại cá đánh bắt được tại vùng biển của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Theo bà Nga, số mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm giảm nhiều. Các mẫu gần đây không đảm bảo chủ yếu do không đạt về chỉ tiêu kim loại nặng, không phát hiện các mấu có phenol hay xyanua, bà Nga cho biết. 

Cụ thể, thời điểm tháng 7 phát hiện 7 trong số 27 mẫu nhiễm kim loại nặng. Đến ngày 19/8 mới phát hiện 1/18 mẫu có dư lượng kim loại nặng cadimi vượt ngưỡng. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học công bố ngày 22/8 cho thấy nước biển miền Trung đã "đạt chuẩn" cho hoạt động bơi lội, nuôi trồng thủy sản. Đầu tháng 4, hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao. 

Tại cuộc họp báo ngày 30/6, Chính phủ công bố thủ phạm khiến cá biển miền Trung chết hàng loạt là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Doanh nghiệp đã thừa nhận sai phạm, chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả.