Cuốn sách không thể chỉ đọc một lần

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai, ba ngày đồng hành với nhau trong chuyến công tác thực hiện chương trình Những tấm lòng hướng về Quảng Trị, trước lúc chia tay, tôi lên đường ra Hà Nội, Tứ tiễn các đồng nghiệp báo Viêng Chăn May về nước qua ngả cửa khẩu Lao Bảo, anh mới dúi vào tay tôi gói nhỏ bọc giấy báo: Anh cầm đọc chơi.

Lên xe, tôi mở giấy bọc, xem lướt cuốn Dòng sông ký ức còn thơm mùi mực của anh với lời đề tặng trân trọng. Cảm nhận đầu tiên là chỉ với hơn hai trăm trang giấy, nhưng đây quả là một cuốn sách dày dặn, cả về những tư liệu cuộc sống cùng những cảm xúc, suy tư… Điều khiến tôi thích thú là dung lượng cuốn sách càng đầy đặn bởi tác giả cùng nhà xuất bản đã chọn phông chữ nhỏ. Nói vậy, vì đã nhiều lần tôi ngán ngẩm với những cuốn sách được tặng. Nội dung nhạt nhẽo, phông chữ thật to, lại được độn thêm bằng những minh họa, ảnh chân dung, rồi phong cảnh nơi này nơi khác mà có vẻ như tác giả chụp trong những chuyến du lịch… Dòng sông ký ức thì khác, có cảm giác như những sự kiện, con người, số phận, và cả những xúc cảm, suy tư như chực bật lên, vượt ra khỏi khuôn khổ khiêm tốn của cuốn sách. Chợt nảy ra sự so sánh ngồ ngộ, nó cũng như tính cách con người Tứ, trầm lặng mà sâu sắc, phong phú…

Phải nói ngay rằng, tôi dã đọc cuốn sách mà Trương Đức Minh Tứ tặng với một niềm xúc động. Là người có ít nhiều gắn bó và nặng lòng với mảnh đất Quảng Trị, tôi như được sẻ chia, tâm tình về những tình cảm với mảnh đất đau thương, kiên cường mà cũng đậm đặc những trầm tích văn hóa này qua các trang viết của Minh Tứ. Không lên gân lên cốt, bằng cái giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ nhưng cũng đầy xúc cảm, những bài bút ký, phóng sự, ghi chép trong Dòng sông ký ức đã đi vào người đọc như một sự tâm tình, thấm thía, sâu sắc. Đọc Về bên mái nhà xưa, Dòng sông ký ức, Người Bích La, Cõi thiêng Thành cổ, Những niềm đau lặng lẽ, Bình yên Cồn Cỏ, Những lá thư thời chiến… tôi có cảm giác như được một người bạn thân thiết, chân thành, cầm tay dắt đi giữa đất và người Quảng Trị, với những lời tâm tình thủ thỉ, mỗi bước đi là mỗi trải nghiệm để thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất này.

Là người làm báo, Minh Tứ có cơ hội đi nhiều, và tất nhiên anh có nhiều bài viết về những vùng đất mình từng đặt chân tới. Điều thú vị là phần hai của cuốn sách, Những nẻo đường xuôi ngược vẫn giữ được giọng văn trầm tĩnh, không bị sa đà vào cái ào ạt, đôi lúc quá lời của nhưng người "khám phá" vùng đất mới. Dù ở đâu, Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại hay Trường Sa ngàn trùng sóng vỗ, Minh Tứ vẫn biết nén cảm xúc, chắt chiu từng con chữ, hình ảnh để đưa đến bạn đọc những gì là cốt lõi nhất.

Cũng là người làm báo, qua những trang viết của Minh Tứ, tôi còn nhận thấy và quý mến cung cách làm việc nghiêm túc của anh. Viết về mỗi mảnh đất, sự kiện, con người… anh đều có những tư liệu rất đầy đủ, cặn kẽ. Có cảm giác như anh biết mười chỉ để viết một. Từng có những kỷ niệm không thể quên bên dòng sông Hiếu, đọc Dòng sông ký ức, bài bút ký được lấy đặt tên chung cho cuốn sách, tôi mới càng hiểu cặn kẽ để thêm yêu, thêm nhớ dòng sông mà theo Tứ, "như một nét duyên thầm" của đất trời Quảng Trị. Cũng bởi lẽ đó, với tôi, Dòng sông ký ức không phải là cuốn sách có thể chỉ đọc một lần. Giống như tác giả, người đã gặp một lần là mong được gặp lại…