Trở về từ chiến trường, gác cây súng, vai áo chưa hết mùi khói đạn, các cựu chiến binh lại tham gia vào mặt trận mới - mặt trận kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Nhiều tấm gương đã vượt lên thách thức của số phận, vượt lên những thương tật, cống hiến tâm, tài xây dựng quê hương, đất nước, đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội.
Những nỗ lực của bản thân mỗi cựu chiến binh đã được chia sẻ tại buổi giao lưu các điển hình tiên tiến Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, diễn ra tối 2/12, Hà Nội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu dự Đại hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
|
Buổi giao lưu nằm trong khuôn khổ chương trình Đại hội thi đua yêu nước lần thứ năm và Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Đến với buổi giao lưu, là những gương mặt tiêu biểu trong phong trào thi đua “cựu chiến binh gương mẫu,” từng trải qua mưa bom, bão đạn trong chiến tranh. Mỗi người có cách làm khác nhau, có những cống hiến khác nhau, nhưng tựu chung lại, những cách làm sáng tạo, những cống hiến đó đã đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.
Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng ở Phú Xuyên, Hà Nội, một trong 10 người vinh dự được tuyên dương là “Công dân ưu tú” của Thủ đô năm 2014 - là một ví dụ.
Tâm niệm cần giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay biết đến lịch sử hào hùng của dân tộc, ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, ông đã lặn lội 21 năm đi sưu tầm hiện vật. Qua 10 năm trưng bày, bảo tàng tư nhân của ông đã có trên 4.000 hiện vật; trong đó có những hiện vật có một không hai trên thế giới như lá cờ nhuộm bằng máu, cuốn điều lệ Đảng viết trong tù…
Mỗi kỷ vật như một câu chuyện huyền thoại. Có những kỷ vật gắn với quá trình đấu tranh với địch trong nhà tù, những câu chuyện đào hầm vượt ngục của chiến sỹ cách mạng tại nhà tù Phú Quốc. Sưu tầm hiện vật đã là khó, việc giữ gìn, bảo quản, phát huy, duy trì giá trị của hiện vật, theo ông, càng khó khăn hơn. Ông mong muốn cùng các ban, ngành, các cựu chiến binh chung tay giữ hiện vật và truyền nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đó là câu chuyện của Đại tá Đoàn Minh Chiến - người từng được mệnh danh là “Hùm xám” chiến khu D, cựu chiến binh phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Về hưu sau 13 lần bị thương, thương binh 2/4, ông đã cùng gia đình vượt qua nhi ề u khó khăn thử thách.
Với sự dấn thân táo bạo, ông trở lại chiến khu D, nhận 64ha đất hoang đồi trọc cải tạo, trồng cây cao su, cây ăn quả, trồng rừng kết hợp chăn nuôi, hàng năm đạt do anh thu 2,5-3 tỷ đồng. Ông đã đóng góp hàng tỷ đồng để kéo điện lưới quốc gia về cho đồng bào vùng Chiến khu và xây dựng 10 căn nhà “Đại đoàn kết,” “Nhà tình thương” và các quỹ phúc lợi xã hội. Ông cũng giúp đỡ, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật giúp hàng trăm hộ gia đình cựu chiến binh và nhân dân trong vùng phát triển kinh tế thoát nghèo.
Hay tấm gương nặng tình nghĩa với bà con dân tộc miền núi của nữ cựu chiến binh Hoàng Thị Nhâm, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Hoàng Nhâm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nữ cựu chiến binh này đã dũng cảm kinh doanh ngành nghề khó khăn nhất là xây dựng đường giao thông nông thôn và thủy lợi miền núi, đưa doanh nghiệp ngày một phát triển, tạo việc làm cho hơn 500 lao động, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an ninh biên giới.
Hơn 7 năm qua, Doanh nghiệp xây dựng Hoàng Nhâm luôn nỗ lực thực hiện hàng trăm công trình thủy lợi ở vùng sâu xa, biên giới. Không chỉ có ý chí thép trên mặt trận kinh tế, cựu chiến binh này còn có tấm lòng nhân ái với cuộc đời, với con người, xây dựng quỹ đến trường và nhận đỡ đầu cho nhiều trẻ em dân tộc.
Cựu chiến binh Hoàng Thị Nhâm vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2014. Đây là doanh nhân cựu chiến binh duy nhất được phong tặng Anh hùng lao động trong 5 năm qua.