Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chiến tranh, người lính phải đối mặt với kẻ thù, hy sinh dũng cảm để bảo vệ Tổ quốc, về với đời thường họ tiếp tục chiến đấu với đói nghèo, khẳng định quyết tâm trên mặt trận làm kinh tế… Cựu chiến binh Phan Văn Hòa đã trở thành một điển hình ở xã Tử Du, Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Về xã Tử Du để cùng vui với chính quyền và nhân dân đã hoàn thành 18/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (tiêu chí chợ tạm thời chưa thực hiện), chúng tôi được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Cát giới thiệu về điển hình nông dân, cựu chiến binh làm kinh tế trang trại giỏi Phan Văn Hòa với những tình cảm mến phục và rất đỗi tự hào.

Theo chân đoàn công tác của các ban, ngành địa phương, chúng tôi đi dọc đường bê tông mới hoàn thành theo chương trình nông thôn mới của địa phương mà gia đình cựu chiến binh Phan Văn Hòa đã tự nguyện hiến nhiều trăm mét vuông đất. Biết nhà có khách, anh Hòa gọi với từ khu trại gà vọng vào: "Các bác chờ em tí nhé, đang dở tay làm vệ sinh định kỳ cho chuồng trại, việc này quan trọng lắm…”. Chúng tôi tranh thủ quan sát cơ ngơi rộng gần hecta nằm lưng đồi với một màu xanh bao phủ, tạo không gian thoáng đãng rất dễ chịu của vùng trung du này.

 
Anh Phan Văn Hòa (trái) nhận lẵng hoa chúc mừng nhân dịp nhận danh hiệu "Nông trại đạt chuẩn Thương hiệu Gà36".
Anh Phan Văn Hòa (trái) nhận lẵng hoa chúc mừng nhân dịp nhận danh hiệu "Nông trại đạt chuẩn Thương hiệu Gà 36".
Trong câu chuyện vui bên ấm nước chè, chúng tôi được biết: Sau khi xuất ngũ, anh Hòa đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, nhưng vốn liếng làm ăn không có khiến cho vợ chồng anh gặp không ít khó khăn. Nhiều đêm anh trăn trở, tại sao không thể cải thiện được cuộc sống gia đình, tại sao mình ham làm, ham việc mà vẫn nghèo? Rồi anh chợt nghĩ, quê mình đất đồi núi, trồng cây và nuôi gà thả đồi là triển vọng nhất. Anh đem suy nghĩ đó bàn với vợ, rồi đề nghị Hội Cựu chiến binh và chính quyền địa phương hỗ trợ về vốn. Anh quyết định mua 300 con gà giống về nuôi.

Lần đầu tiên chăn nuôi, thiếu kinh nghiệm, số gà giống cứ chết dần hết gần một nửa trong nỗi tiếc nuối, lo âu của cả gia đình. Anh bèn tìm sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại khác, quyết tâm tìm ra các “bí quyết” chăn nuôi gà. Và rồi, những con gà còn lại đã được chăm sóc đúng kỹ thuật, khỏe mạnh, lớn nhanh. Đến mùa thu hoạch, anh đã thu hồi đủ vốn và còn một số tiền đủ để quay vòng... Đó là những kỷ niệm ngày đầu lập nghiệp không thể nào quên.

“Quá khứ đói nghèo đã qua rồi. Giờ cứ thế mà chăn nuôi, tăng dần số con gà lên thôi vì cái quan trọng nhất tôi đã giải quyết xong, đó là kỹ thuật chăn nuôi và đầu ra cho con gà” - Anh Hòa cười thoải mái, tự tin nói về công việc của mình. Điều mà người nông dân lo lắng nhất chính là đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Bởi vì theo anh, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là yếu tố quyết định. Anh cho biết: “Chuyện đầu ra cho sản phẩm nông sản là điều lo lắng của bà con không chỉ ở vùng này. Với nông trại chúng tôi, có may mắn đặc biệt chính là sự kết hợp bền vững giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp. Tôi đã may mắn gặp và đàm phán thành công với lãnh đạo Thương hiệu Gà36 và cố gắng lắm mới hoàn thành được các tiêu chuẩn mà Thương hiệu Gà36 đề ra, nên họ đã bao tiêu toàn bộ gà thành phẩm”.

 
-	Đàn gà của anh Hòa được nuôi đúng quy trình kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao..
Đàn gà của anh Hòa được nuôi đúng quy trình kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao..
Giờ đây, anh Hòa đã có một cơ ngơi khang trang, trang trại hơn 5.000 con gà ta và hàng ngàn cây ăn quả như nhãn, vải, bưởi. Thu nhập bình quân hàng năm của gia đình anh từ trồng trọt, chăn nuôi đạt khoảng trên 400 triệu đồng. Anh sắm được xe ô tô tải dùng để chuyên chở gà. Anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn một chục lao động, với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng. Anh Hòa nói thêm, gà nuôi tại trang trại của anh đã đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như giống gà phải là gà ta; con giống phải có giấy phép, có chứng nhận xuất xứ và kiểm dịch; tuổi gà đúng độ; trọng lượng từ 1 kg đến 1,2 kg; không có dị tật; được tiêm vacxin đúng quy định của cơ quan kiểm dịch… Do đó, trang trại của anh Hòa đã được công nhận là “Mô hình nông trại đạt chuẩn Thương hiệu Gà36”.

Anh Phan Văn Hòa đã trở thành người chăn nuôi giỏi, được mời đến các buổi nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm cho bà con. Mục tiêu chăn nuôi mà anh luôn hướng đến, đó là phải “sạch” cho cả sản phẩm và môi trường xung quanh. Anh chăm sóc kĩ lưỡng từ khi đàn gà còn nhỏ, cho uống nước đun sôi khi gà mới được 1 tháng tuổi, tiêm thuốc cho gà và làm sạch chuồng trại thường xuyên.

Chính quyền xã Tử Du và Hội Cựu chiến binh huyện Lập Thạch rất vui mừng và ủng hộ mô hình chăn nuôi của anh Hòa. Trong buổi gắn biển Mô hình nông trại đạt chuẩn Thương hiệu Gà36, Chủ tịch UBND xã Tử Du Nguyễn Tiến Thiệp đã phát biểu: “Xã Tử Du còn là một xã nghèo, điều kiện đất đai rộng rãi nhưng thổ nhưỡng khô cằn, không phù hợp với trồng trọt. Vì thế, xã cũng rất muốn tập trung vào chăn nuôi, nhưng người nông dân vẫn gặp những vấn đề về vốn và đầu ra, chính quyền chỉ hỗ trợ được phần nào.

Mong rằng, sẽ có thêm nhiều nông hộ tích cực sản xuất chăn nuôi như anh Hòa, tạo ra những sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt cho chính người Việt, tạo thêm ngày càng nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần