Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng kêu oan tại tòa

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, cơ quan tố tụng truy tố oan vì khi giao dự án, ký hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) cho Công ty Hoàn Cầu đã áp dụng các quy định hiện hành và tính cấp bách của dự án.

Chiều 23/12, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại khu đất số 01 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang (trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa).

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng tại phiên tòa. Ảnh: Trung Vũ.
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng tại phiên tòa. Ảnh: Trung Vũ.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng được đưa ra xét hỏi đầu tiên. Cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Thắng là người chịu trách nhiệm chính khi trực tiếp ký các quyết định giao dự án cho Công ty Hoàn Cầu (sau này là Công ty CP Thanh Yến) không qua đấu thầu, đấu giá gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Trả lời câu hỏi của HĐXX vì sao lại giao dự án cho Công ty CP Thanh Yến, bị cáo Thắng cho rằng lúc đầu khi thông báo thầu có thông báo rộng rãi trên báo chí theo quy định, và có hai công ty nộp hồ sơ đấu thầu

“Khi nhận hồ sơ, bị cáo nhận thấy một công ty không đủ năng lực, bằng chứng là doanh nghiệp này chưa đầu tư dự án nào trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, công ty còn lại Hoàn Cầu có đủ năng lực khi đã đầu tư nhiều dự án trên địa bàn. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tổ chức các cuộc thi hoa hậu, tài trợ cho tỉnh 8 triệu USD. Từ đó bị cáo quyết định chỉ định Công ty Hoàn Cầu thực hiện dự án BT ở số 01 Trần Hưng Đạo” - bị cáo Thắng phân trần.

Theo bị cáo Thắng, một trong những nguyên nhân để bị cáo cho thực hiện dự án BT trường Chính trị tỉnh do nơi này đã xuống cấp nghiêm trọng nên bị cáo chỉ định nhà đầu tư mà không thông qua đấu thầu, đấu giá khi áp dụng theo Thông tư 03 của Bộ KH&ĐT.

“Trường Chính trị tỉnh được xây dựng từ năm 1965, đến 2015 thì hết niên hạn sử dụng. Thời điểm đó trường đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục gỉ sét, mục nát có thể nguy hiểm đến tính mạng con người. Từ đó bị cáo áp dụng tính cấp bách theo quy định tại Thông tư 03 của Bộ KH&ĐT, Nghị định 108 của Chính phủ để lập dự án, chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án” - bị cáo Thắng giải thích.

Đồng thời, bị cáo Thắng cho biết lúc bấy giờ bị cáo cũng không rõ mình có quyền được chỉ định nhà đầu tư ở dự án trường chính trị tỉnh hay không.

Khu đất 01 Trần Hưng Đạo nay là tòa tháp đôi 40 tầng. Ảnh: Trung Vũ.
Khu đất 01 Trần Hưng Đạo nay là tòa tháp đôi 40 tầng. Ảnh: Trung Vũ.

Về vấn đề này, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa đã phản bác khi cho rằng tính cấp bách theo Thông tư 03, Nghị định 108 chỉ áp dụng cho các trường hợp an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, an ninh năng lượng, phục vụ sự kiện quan trọng của quốc gia...

Trường hợp trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa là đất giáo dục và việc xuống cấp như bị cáo viện dẫn không thuộc các trường hợp quy định tại Thông tư 03, Nghị định 108.

Trả lời HĐXX về việc khi giao dự án khu đất thuộc trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cho doanh nghiệp xây dựng… bị cáo biết không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang, nhưng vì sao vẫn cấp dự án.

Bị cáo Thắng thừa nhận thời điểm tháng 6/2015, khi ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Thanh Yến thực hiện dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ - y tế - văn phòng - khách sạn - nhà ở chung cư - Nha Trang Center 2 (nay là Gold Coast), thì khu đất trường Chính trị là đất giáo dục và trái với quy hoạch sử dụng đất TP Nha Trang.

Bị cáo Thắng lý giải: “Trong quy hoạch chung TP Nha Trang thì khu đất trường Chính trị sẽ là trung tâm đa năng, không còn là trụ sở cơ quan nữa. Tuy nhiên, lúc đó (thời điểm cấp giấy phép đầu tư) tạm thời chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang. Nhưng bị cáo nghĩ sau này sẽ phù hợp, bằng chứng là năm 2019, toàn bộ khu đất trường Chính trị đã chuyển toàn bộ thành đất ở”.

HĐXX cho rằng bị cáo biết quy trình ngược khi cấp dự án, giao đất dự án rồi mới thực hiện việc bổ sung quy hoạch và điều này là trái pháp luật.

Bị cáo Đào Công Thiên trong phiên xử chiều 23/12. Ảnh: Trung Vũ.
Bị cáo Đào Công Thiên trong phiên xử chiều 23/12. Ảnh: Trung Vũ.

Trả lời HĐXX về nhận thức sai phạm của mình sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bị cáo Thắng cho rằng nếu đối chiếu các căn cứ pháp luật thời đó thì bị cáo thấy bản thân làm không sai.

“Khi ký cấp dự án bị cáo đã căn cứ đầy đủ văn bản pháp luật và cũng tham vấn các sở, ngành liên quan trước khi quyết định chỉ định thầu, giao dự án. Bị cáo thấy có phần oan ức nếu căn cứ theo quy định pháp luật thời đó” - bị cáo Thắng nói.

Sau khi xét hỏi bị cáo Thắng, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Đào Công Thiên - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, phiên tòa sau đó kết thúc sớm hơn dự kiến do bị cáo Thiên có vấn đề về sức khỏe.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần