Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cựu giám đốc nhà máy Fukushima bị ung thư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cựu giám đốc nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ phóng xạ sau thảm họa sóng thần ở Nhật vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Người phát ngôn Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết ông Masao Yoshida, 56 tuổi, cựu giám đốc nhà máy điện Fukushima, bị ung thư thực quản nhưng bệnh tình của ông không liên quan đến việc tiếp xúc với phóng xạ từ nhà máy.
Ông Yoshida bất ngờ từ chức cuối tháng trước sau khi phải nhập viện để điều trị. Khi đó TEPCO không công bố về bệnh tình cụ thể của ông Yoshida. Nhưng hôm nay khi đến thăm nhà máy, chính ông đã công khai mình bị ung thư thực quản để dập tắt những đồn đoán.

"Ông ấy đã rất lo lắng khi giới truyền thông suy đoán về bệnh tật của mình... Ông ấy muốn điều trị trong yên lặng nhưng cuối cùng đã quyết định công bố sự thật để dập tắt những tin đồn", người phát ngôn TEPCO Ai Tanaka cho biết.

Tanaka nhấn mạnh "không có khả năng ông Yoshida bị ung thư do việc tiếp xúc với phóng xạ" bởi theo các chuyên gia của Viện khoa học phóng xạ quốc gia Nhật Bản thì nếu việc tiếp xúc với phóng xạ gây nên ung thư thì phải từ 5 cho đến 10 năm mới phát bệnh.

Tổng lượng phóng xạ tích tục trong cơ thể ông Yoshida kể từ ngày 11/3 - ngày xảy ra động đất sóng thần kéo theo khủng hoảng hạt nhân - là 70 millisievert. Mức độ này thấp hơn so với giới hạn dành cho các nhân viên làm việc tại các nhà máy hạt nhân là 100 millisievert.

TEPCO không cho biết những thông tin chi tiết về quá trình điều trị của ông Yoshida, cũng như việc liệu ông có cần được phẫu thuật hay không.

Thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng ba đã phá hủy hệ thống làm mát của các lò phản ứng của nhà máy điện Fukushima, dẫn tới rò rỉ phóng xạ vào không khí, đất và nước gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

Không có người chết trực tiếp bởi rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Fukushima I nhưng cuộc khủng hoảng đã làm hàng chục nghìn người phải sơ tán và một diện tích đất rộng lớn không thể ở được và tình hình này còn có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ.