Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cứu hộ giao thông tại Hà Nội: Thiếu lực lượng chuyên trách

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù là một trong những đô thị lớn nhất của cả nước, nhưng Hà Nội lại chưa có một trung tâm cứu hộ giao thông chuyên nghiệp nào.

Thực tế này đang khiến cho công tác cứu hộ và giải tỏa ùn tắc do tai nạn giao thông (TNGT) chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. 
Ùn tắc nhiều giờ vì tai nạn

5 giờ 30 phút ngày 14/9, một chiếc xe bồn 22 bánh bị lật, chắn ngang đường Vành đai 3 trên cao, đoạn trước cửa tòa nhà Keangnam, gây UTGT kéo dài hướng Mai Dịch đi Linh Đàm. Hơn 5 tiếng sau, chiếc xe mới được cẩu kéo khỏi hiện trường, trả lại lòng đường cho lưu thông. Chỉ huy Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP cho biết, do không có thiết bị, phương tiện để cẩu kéo loại xe lớn như vậy nên công tác cứu hộ diễn ra rất chậm chạp, gây ảnh hưởng lớn đến lưu thông trên tuyến.

Trung tá Đỗ Trọng Tuân - Đội phó Đội CSGT số 14 cũng cho hay, nhiều vụ TNGT xe bị lật nghiêng hoặc chết máy, “nằm lì” trên cầu Thanh Trì, gây UTGT kéo dài hàng giờ đồng hồ. Nhưng do thiếu phương tiện cứu hộ, xử lý xe tải trọng lớn nên nhiều khi công tác giải tỏa UTGT diễn ra rất chậm.

Cứu hộ xe ô tô trên đường Trần Nhân Tông. Ảnh: Lê Nhung

“Hiện nay, Phòng chỉ có xe bán tải, chủ yếu để chở xe máy vi phạm về tạm giữ. Đối với các xe tải nặng, xe khách lớn bị TNGT hoặc vi phạm từ 10 tấn trở lên thì lực lượng phải kêu gọi thiết bị, phương tiện của tư nhân phối hợp, cẩu kéo về bãi” - Thiếu tá Vũ Văn Hoài - Đội trưởng Đội tuyên truyền, khám nghiệm, Phòng CSGT chia sẻ. Có trường hợp xảy ra cháy nổ, CSGT cũng phải tự tìm kiếm các phương tiện chữa cháy tại chỗ để xử lý tình huống. Đặc biệt là việc đưa ra các thông tin cảnh báo để người tham gia giao thông tránh các tuyến đường đang bị ùn tắc vì TNGT, hoặc để lực lượng chức năng biết và kịp thời điều tiết vẫn chưa được thực hiện có hiệu quả.

Đối với công tác sơ cấp cứu cho nạn nhân TNGT, hiện vẫn do lực lượng cấp cứu 115 phụ trách. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp TNGT xảy ra tại khu vực nội thành, hoặc vào giờ cao điểm, lực lượng cấp cứu vẫn có khả năng đến muộn, không kịp thời phối hợp với CSGT để ứng cứu nạn nhân. “Do chưa có lực lượng chuyên trách nên công tác cứu hộ TNGT của lực lượng CSGT và cả địa phương còn rất nhiều khó khăn, chưa được chủ động và hiệu quả không như mong muốn” - Thiếu tá Vũ Văn Hoài trần tình.

Quan tâm hơn nữa đến công tác cứu hộ

Những năm gần đây, áp lực giao thông tại Hà Nội ngày càng lớn, TNGT cũng diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Ban ATGT TP, 9 tháng đầu năm nay (16/12/2016 - 15/9/2017), Hà Nội đã xảy ra 1.045 vụ TNGT, làm 414 người chết, 828 người bị thương. Các vụ TNGT vẫn liên quan chủ yếu đến xe ô tô kinh doanh vận tải, cả hàng hóa và hành khách. Với tình trạng trang thiết bị, phương tiện còn nghèo nàn như hiện nay, công tác cứu hộ giao thông khó lòng đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc TP phải lên kế hoạch xây dựng một trung tâm cứu hộ giao thông chuyên nghiệp, hoặc một lực lượng chuyên trách cho công tác này. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga đề xuất, TP có thể giao lực lượng CSGT xây dựng một trung tâm cứu hộ chuyên nghiệp, có mạng lưới bao phủ toàn TP; hoặc có thể yêu cầu từng địa phương thành lập các tổ ứng cứu giao thông cơ động. “Vẫn biết việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện cẩu kéo, cứu hộ cỡ lớn và đào tạo nhân sự chuyên nghiệp giải quyết các vụ TNGT sẽ cần nguồn vốn đầu tư không nhỏ, nhưng đã đến lúc TP cần cân nhắc vấn đề này” - ông Nga nhìn nhận.

Mặt khác, đại diện Phòng CSGT cho biết, hiện nay, chi phí cẩu kéo, cứu hộ giao thông vẫn do chủ phương tiện bị nạn thanh toán trực tiếp với đơn vị tư nhân đến hỗ trợ. Khoản chi phí này hiện vẫn chưa có một quy định nào nêu cụ thể, nên không loại trừ trường hợp chủ phương tiện bị nạn phải trả công rất cao cho xe cẩu kéo. Nếu TP có trung tâm cứu hộ với lực lượng, trang thiết bị chuyên nghiệp và các quy định cụ thể rõ ràng sẽ giúp người dân khi chẳng may bị TNGT được đảm bảo quyền lợi, tránh tình trạng bị bắt chẹt. Quan trọng nhất là CSGT có thể chủ động ngay phương tiện, nhân sự tại chỗ để giải tỏa hiện trường, ứng cứu người bị TNGT, rút ngắn tối đa thời gian UTGT do tai nạn.