Đó là những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Duy Ánh- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sau hành trình một năm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử can thiệp trong buồng ối.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, hiện nay, cùng với kỹ thuật siêu âm hiện đại, các bác sĩ có thể nhìn thấy những dị tật của thai nhi từ tuần thứ 22. Tuy nhiên, có nhiều ca, không thể chờ em bé sinh ra để xử lý mà phải can thiệp từ hơn 20 tuần. Trong số các ca được can thiệp tại bệnh viện, chủ yếu là thai nhi từ 17 đến 26 tuần khi thai chỉ nặng vài gram. Nếu không can thiệp để sửa chữa tổn thương, em bé sẽ tử vong. Từ trăn trở đó, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cùng các bác sĩ của bệnh viện ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để có thể cứu hàng nghìn ca vô vọng.
Sau một năm triển khai kỹ thuật khó nhất trong sản khoa thế giới, can thiệp bào thai trong buồng tử cung, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp thành công cho 40 sản phụ. |
Thế nhưng, khi bắt tay vào triển khai đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử can thiệp trong buồng ối, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh và các cộng sự gặp phải nhiều thách thức. Đây là kỹ thuật sản khoa lần đầu được triển khai tại Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, trên thế giới, định nghĩa ca mổ thành công là sau một ngày can thiệp không có tai biến chảy máu, sau 7 ngày không hỏng thai coi như ca mổ thành công. Thời điểm ấy, các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa đều cho rằng, việc động vào bào thai là điều tối kỵ. Các chuyên gia cũng đặt ra yêu cầu cao hơn là sau khi can thiệp bào thai, việc sinh nở của sản phụ phải mẹ tròn con vuông.
Đặt trên vai áp lực của việc tiên phong triển khai kỹ thuật mới, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành chuẩn bị kỹ lưỡng về trang thiết bị và nhân lực. Bệnh viện cử các chuyên gia sang Pháp học tập, nhận chuyển giao kinh nghiệm tại bệnh viện hàng đầu của Pháp. Một phòng mổ hiện đại theo đúng tiêu chuẩn châu Âu về can thiệp bào thai được triển khai nhanh chóng.
Can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong sản khoa hiện nay. Với quan điểm thai nhi cũng là bệnh nhân, các bác sĩ dùng kỹ thuật này can thiệp những cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi, để chữa bệnh cho trẻ. Việt Nam đã tiếp cận kỹ thuật này bằng những ca can thiệp bào thai đầu tiên vào cuối năm 2019.
Ca em bé chào đời đầu tiên bằng kỹ thuật này là ngày 14/12/2019 trong niềm hạnh phúc vỡ òa của sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, ở Nghệ An). Sản phụ mang song thai mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau với biến chứng thai không tim. Ở tuần 26, trước tình trạng nguy cấp khi thai còn lại của sản phụ Hường có nguy cơ lưu, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thực hiện “mổ” laser quang đông can thiệp bào thai nhằm cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống cho thai hỏng, giữ em bé còn lại trong bụng và em đã được sinh ra đời khỏe mạnh.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ hành trình một năm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử can thiệp trong buồng ối. |
Đến nay, sau một năm triển khai kỹ thuật khó nhất trong sản khoa thế giới, can thiệp bào thai trong buồng tử cung, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp thành công cho 40 sản phụ, trong đó có 20 trường hợp mẹ tròn con vuông. Không có ca nào được can thiệp gặp biến chứng trong suốt thai kỳ. Các ca sinh đều mẹ tròn con vuông, khỏe mạnh. Nhiều thai nhi chỉ nặng vài trăm gram đã được các bác sĩ chăm sóc khỏe mạnh, không gặp vấn đề về sức khỏe.
“Việc triển khai thành công kỹ thuật can thiệp bào thai sẽ mở ra một trang mới trong sản khoa. Giờ đây, các bác sĩ không ngồi thụ động chờ đợi diễn biến bào thai trong tử cung như trước đây mà chúng ta chủ động coi thai nhi là bệnh nhân. Các bác sĩ phải chữa bệnh cho bệnh nhân đó khi có bệnh”- PGS.TS Nguyễn Duy Ánh nói.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho rằng, với kỹ thuật hiện đại, nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi, các nhân viên y tế có thể cứu chữa được các bệnh lý phức tạp, nguy hiểm với tỷ lệ thành công tới 90%, hạn chế các ca tử vong đáng tiếc, giúp trẻ sinh ra không còn bị dị tật, phát triển bình thường. Kỹ thuật này đã được triển khai thành công can thiệp cho sản phụ bị thiếu ối, đa ối, sản phụ gặp hội chứng truyền máu song thai.