“Cứu tinh” của người bệnh tuyến dưới

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ có bệnh viện (BV) vệ tinh, nhiều ca bệnh khó, phức tạp đều được thực hiện ngay từ tuyến dưới, giảm thời gian chờ đợi, chi phí cho người bệnh, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên.

Bệnh viện vùng khó thực hiện kỹ thuật cao
Bệnh nhân Lò Thị Tình cấp cứu tại BV đa khoa huyện Tam Đường (Lai Châu) do cơn đau dữ dội của bệnh viêm túi mật. Sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tao Văn Ngần - Khoa Ngoại sản, BV đa khoa Tam Đường, trường hợp của bệnh nhân Tình nặng và rất khó điều trị.
Bệnh nhân đã từng mổ mở một lần do chửa ngoài tử cung bị vỡ trong ổ bụng cách đây chưa lâu, nay lại bị viêm túi mật có sỏi lớn… Nếu như trước đây, bệnh nhân sẽ phải mổ mở, thời gian hậu phẫu kéo dài hoặc có thể phải chuyển lên BV tuyến trên. Nhưng nhờ được chuyển giao kỹ thuật của BV E, BV đa khoa Tam Đường đã phẫu thuật cắt túi mật nội soi thành công cho bệnh nhân.
 Phẫu thuật cắt túi mật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Nam Trần
Bác sĩ Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Đường cho biết, kể từ năm 2018, BV đa khoa Tam Đường trở thành một trong 15 BV vệ tinh của BV E, đến nay, BV đã triển khai phẫu thuật nội soi giúp người bệnh tiếp cận được kỹ thuật cao ngay tại tuyến huyện, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho tuyến trên.
Đến nay, BV đã phẫu thuật cho rất nhiều bệnh nhân với các bệnh như viêm ruột thừa, u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, viêm túi mật mãn tính... Các ca mổ đều an toàn, không có biến chứng, tạo niềm tin cho người bệnh.
Còn tại BV K, GS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV cho biết, có 17 BV trở thành vệ tinh của BV K, qua gần 6 năm thực hiện, các BV vệ tinh đã được nâng cao năng lực về khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám chữa bệnh bằng công nghệ thông tin. BV K đã chuyển giao 291 lượt kỹ thuật cho các BV vệ tinh.
Hiện nhiều BV tuyến dưới hoàn toàn có thể tự chủ được kỹ thuật như phẫu thuật ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư cổ tử cung hay xạ trị ung thư vú, cổ tử cung, ung thư buồng trứng, giảm tối đa bệnh nhân phải chuyển tuyến. Đơn cử, nếu như trước đây, 70% ca mổ khó, BV đa khoa Phú Thọ đều chuyển lên BV K, nay tỷ lệ chuyển tuyến chỉ dưới 1%.
Còn tại Hà Nội, BV Tim Hà Nội hiện là đơn vị duy nhất trực thuộc Sở Y tế Hà Nội được Bộ Y tế giao là BV hạt nhân chuyên ngành tim mạch cho 16 BV vệ tinh trên cả nước như Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai..., qua đó giúp cho nhiều BV tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị nội khoa, thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch…, nhất là “giữ chân” được bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên.
Giám đốc BV Tim Nguyễn Quang Tuấn cho biết, trong thời gian tới, BV Tim Hà Nội tiếp tục cử chuyên gia, bác sĩ giỏi của BV trực tiếp xuống các BV vệ tinh mở lớp đào tạo, chuyển giao các gói kỹ thuật theo đề xuất và thực tế nhu cầu của từng đơn vị.
Giảm đáng kể tình trạng chuyển tuyến
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức cho biết, nếu như hơn 10 năm về trước, BV Việt Đức chỉ loay hoay mổ cấp cứu cho bệnh nhân vì thực tế bệnh nhân chuyển tuyến luôn quá tải. Hầu như cứ tai nạn là bệnh nhân được chuyển thẳng về BV Việt Đức. Các bác sĩ đều quay cuồng với việc tiếp nhận bệnh nhân và mổ cấp cứu. Chính vì thế mà nhiều năm liền BV không triển khai được kỹ thuật mới.
Tuy nhiên, từ khi có Đề án BV vệ tinh thì tình trạng này được cải thiện đáng kể, hiện tỷ lệ chuyển chỉ còn khoảng 5%, có nơi dưới 1%. Đây cũng là những chuyển biến đáng mừng của các BV hạt nhân khác đã triển khai BV vệ tinh như Phụ sản T.Ư, Bạch Mai, Mắt T.Ư…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian qua, ngành y tế đã có những bước tiến quan trọng, kỹ thuật cao được chuyển giao xuống đến tuyến huyện. Trên cơ sở lấy một số BV tuyến T.Ư, BV tuyến cuối tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm BV hạt nhân, phát triển hệ thống BV tuyến tỉnh, tuyến huyện làm BV vệ tinh của các BV hạt nhân.
Đến nay, cả nước đã có 23 BV hạt nhân và 138 BV vệ tinh, trong đó có 4 BV tư nhân. BV hạt nhân đã chuyển giao kỹ thuật cho BV vệ tinh 10 chuyên ngành là nội, ngoại - chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
“Đề án này tạo động lực mới trong hoạt động ở BV tuyến dưới và đem lại hiệu quả giảm tải rõ rệt, tăng sự hài lòng của người bệnh. Kết quả thực tế cho thấy, tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên đã giảm đáng kể” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Để phát huy lợi ích thiết thực của BV vệ tinh, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các BV.

"Các bác sĩ tuyến dưới được chuyên gia ở tuyến trên "cầm tay chỉ việc", trình độ tay nghề được nâng lên rõ rệt. Không chỉ có thế, thông qua công nghệ thông tin, nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, tỷ lệ tai biến cũng giảm đi, giảm bệnh nhân tử vong." - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến