Đã có gần 6 triệu người dùng ứng dụng định danh điện tử VNeID

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc dùng ứng dụng định danh điện tử được tích hợp trên nền tảng VNeID có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số.

Theo cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, nhờ sự vào cuộc tích cực của ngành Công an, ứng dụng VNeID có sự tăng trưởng đột biến trong tháng 7 và 8/2022. Theo thống kê, tính đến ngày 31/8/2022, ước tổng số người dùng đã đạt 5,78 triệu, tăng 4,86 triệu so với tháng trước.

Đã có gần 6 triệu người dùng ứng dụng định danh điện tử VNeID.
Đã có gần 6 triệu người dùng ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Bộ Công an hướng dẫn, công dân Việt Nam đã có thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử, thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNeID.

Cụ thể, sau khi tải và cài ứng dụng VNeID, người dân nhập thông tin về số định danh cá nhân và số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNelD; thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua VNelD. Cơ quan quản lý định danh điện tử sẽ thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua VNelD hoặc tin nhắn SMS hay email.

Tùy theo phân loại mức độ của tài khoản định danh điện tử mà mỗi cá nhân sẽ có quyền, khả năng được tiếp cận sử dụng các dịch vụ mở rộng khác nhau.

Cụ thể, với tài khoản định danh điện tử mức độ 1, công dân có thể sử dụng một số chức năng cơ bản như nhóm chức năng phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng...), giải quyết các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, cập nhật tin tức, bài viết, thông báo mới nhất từ Bộ Công an.

Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng VNeID cung cấp như đăng ký tích hợp hiển thị các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế… các dịch vụ liên quan đến an sinh xã hội như chuyển tiền trợ cấp qua ngân hàng, nhận lương hưu… giao dịch tài chính, chuyển tiền…

Để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, người dân đã có Căn cước công dân gắn chip điện tử cần đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử. Người dân cần xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc email và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.

Khi đó, cán bộ tiếp nhận nhập thông tin của người dân sẽ cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.

Cơ quan quản lý định danh điện tử sẽ thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc email.

Ứng dụng di động VNeID được Bộ Công an chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 8/2021 trên kho ứng dụng Apple Store và 9/2021 trên kho ứng dụng Google Play với tính năng ban đầu là nhằm hỗ trợ khai báo di chuyển nội địa, di biến động dân cư và nhận mã QR để việc đi lại khi qua chốt kiểm dịch được nhanh chóng. Thời điểm đó, ứng dụng này cũng hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết các ca lây nhiễm Covid-19 thứ phát và thông báo cho người dân kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khó kiểm soát.

Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, cùng với việc ra mắt Hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cũng đã chính thức công bố ứng dụng định danh điện tử được tích hợp trên nền tảng VNeID. Việc sử dụng thông tin trên tài khoản định danh điện tử của nền tảng này có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số.