Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã xác định được nguyên nhân chính khiến mặt cầu Thăng Long hư hỏng liên tục trong thời gian qua. Một trong những nhược điểm của mặt cầu Thăng Long là lớp bản thép mặt cầu mỏng hơn so với yêu cầu cấu tạo có độ cứng nhỏ, dẫn đến độ võng tích lũy. Vì thế, sau một thời gian sử dụng, hư hỏng trên mặt cầu đã xuất hiện.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa được ông Nguyễn Văn Huyện nhắc tới là sự gia tăng của xe quá tải trong thời gian qua cũng chính là thủ phạm phá hỏng mặt cầu Thăng Long sau 20 năm khai thác.
Từ phân tích nguyên nhân gây hỏng mặt cầu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng được phương án chi tiết để sửa chữa mặt cầu. Ông Huyện cho biết, trước tiên phải cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép. Tiếp đó, sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận.
Công đoạn cuối cùng là sửa các khe co giãn đã hư hỏng. Sau khi sửa xong sẽ tăng cường lực có tuổi thọ công trình 10 năm. Đây là công nghệ được Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu 2 năm nay trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng.
Quá trình thi công sẽ được thực hiện liên tục 24/24 giờ với mái che trong suốt quá tình thi công. Cùng đó, sẽ phân luồng giao thông và cấm hoàn toàn phương tiện qua cầu. Đồng thời, Tổng cục đường bộ Việt Nam sẽ thuê chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia của Việt Nam giám sát quá trình thi công.
Được biết, tổng mức đầu tư của dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long gần 270 tỷ đồng. Hiện Tổng cục đang chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu chọn nhà thầu trong tháng 6, bắt đầu khởi công thi công trong tháng 7, hoàn thành sửa chữa cầu vào cuối năm 2020.