Các phản ánh, kiến nghị kịp thời của Nhân dân qua công tác giám sát giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các vi phạm.
Tăng công khai, minh bạch thông tin
Theo các nhà nghiên cứu, khi nói về công tác phòng, chống tiêu cực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, biện pháp quan trọng hàng đầu chính là sự giám sát chặt chẽ của quần chúng, đó là cơ chế ngăn ngừa tham ô, lãng phí hữu hiệu. Đồng thời, các phản ánh, kiến nghị kịp thời của Nhân dân qua công tác giám sát sẽ giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các hành vi tham ô, lãng phí. Do đó, để người dân có thể tham gia giám sát, kiểm soát, cơ quan Nhà nước phải xây dựng được cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động.
Nhìn vào thực tiễn tại Hà Nội, từ TP đến cơ sở đã cập nhật, hướng dẫn rõ ràng toàn bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách... trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Quy trình, thủ tục giải quyết công việc, các chế độ, định mức... đều được công khai bằng thông báo tại các cuộc họp, niêm yếu tại trụ sở cơ quan... TP cũng tăng công khai, minh bạch trong quy hoạch, thông tin đấu giá quyền sử dụng đất; công khai các dự án thu hồi đất do vi phạm quy định của pháp luật...
Tại nhiều quận, huyện, mọi hoạt động quản lý hành chính, nhất là công tác thực hiện đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đều công khai... tạo điều kiện cho người dân giám sát, phòng ngừa các vi phạm. Đồng thời, tiến hành các đoàn kiểm tra đột xuất công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng... kịp thời phát hiện sai phạm, sơ hở trong quản lý để chấn chỉnh. TP cũng rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ, tăng công cụ kiểm soát, quản lý hiệu quả chất lượng và tiến độ giải quyết công việc...
Phát huy vai trò của người dân trong giám sát
Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, MTTQ TP đã chủ động góp ý và tổ chức phản biện xã hội vào các dự thảo Nghị quyết của HĐND cùng cấp và các chuyên đề liên quan quyền lợi của Nhân dân. 5 năm qua, đã có 2.282 hội nghị phản biện xã hội được triển khai ở các cấp. Ý kiến giám sát, phản biện được chính quyền các cấp tiếp thu, chỉnh sửa để các chủ trương chính sách được thực hiện khả thi.
Các Ban Thanh tra Nhân dân thực hiện giám sát 24.045 vụ việc; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền 3.700 vụ việc, từ đó xem xét, giải quyết 3.546 vụ việc (95,8%). Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia giám sát 15.120 công trình, dự án; phát hiện 982 vụ vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 932 vụ.
Ngoài ra, các ban còn phối hợp giám sát trên các lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng (11.805 vụ), quản lý đất đai (3.281 vụ), thực hiện dân chủ ở cơ sở (4.856 vụ), các lĩnh vực khác (1.780 vụ). Đặc biệt, việc giám sát cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy định nêu gương đã có tác dụng ngăn chặn vi phạm trong đội ngũ đảng viên; thu hút người dân quan tâm theo dõi, phản ánh những biểu hiện không lành mạnh trong đạo đức lối sống, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đảng viên... có tác dụng tốt trong phòng ngừa vi phạm; giúp cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên “tự thấy, tự sửa”.
Để tiếp tục tăng kết nối, tương tác giữa người dân và chính quyền, Hà Nội đã triển khai kênh Zalo “Phản ánh kiến nghị TP Hà Nội”; triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối nhằm tạo lập kênh quan trọng giữa chính quyền với người dân, DN của Thủ đô. Qua ứng dụng iHanoi, TP đã tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị từ người dân một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, ứng dụng bảo đảm sự tham gia giám sát của cộng đồng, từ đó nâng cao niềm tin của người dân với chính quyền, cung cấp tiện ích cho người dân và tiếp nhận các sáng kiến đóng góp xây dựng phát triển Thủ đô.
TP cũng đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, hướng tới mục tiêu "Minh bạch - Công khai - Hiện đại và phi địa giới hành chính trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính". Tại nhiều quận, huyện, đã xây dựng trang "Chính quyền điện tử" trên ứng dụng Zalo, bổ sung các tính năng như: Hỗ trợ trực tuyến đường dây nóng, thăm dò ý kiến khảo sát đối với người dân, tổ chức trên địa bàn… trên các trang thông tin của địa phương, giúp việc giám sát đạt hiệu quả cao hơn như lời Bác dạy.