Độc giả là nguồn thu
Có thể nói, trong nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ sức ép kinh tế lại đè nặng lên vai của các cơ quan báo chí ở Việt Nam như thời điểm hiện tại. Không chỉ sụt giảm mạnh về nguồn thu chính đến từ quảng cáo mà lượng độc giả đang ngày càng bị bào mòn bởi sự vươn lên mạnh mẽ bởi các mô hình truyền thông mới như mạng xã hội.
Những con số thống kê từ thực tế đã cho thấy tình trạng nói trên đã trở nên đáng báo động với các cơ quan báo chí đến mức nào. Dữ liệu từ từ 159 cơ quan báo chí cho thấy doanh thu đã giảm mạnh theo từng năm. Khối báo năm 2021 chỉ thu về 1.952 tỷ đồng, giảm 30% so với 2020. Ở khối tạp chí còn số này là 170 tỷ đồng so với 259 tỷ đồng trong năm 2020.
Trong khi đó lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đang được ước tính xấp xỉ 1 tỷ USD mỗi năm lại có tới 80% là thuộc về các mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube... Đáng chú ý, đây cũng là nguồn thu chính của các cơ quan báo chí trong nước. Bên cạnh nhiều tờ báo vẫn đang luẩn quẩn tìm lời giải cho bài toán kinh tế thì nhiều đơn vị cũng đã bắt đầu phát hiện ra các nguồn thu mới với việc mạnh dạn "lột xác" khi loại bỏ tư duy cũ bằng những cách làm mới nhằm thích nghi với thời cuộc.
Là một trong những tờ báo hàng đầu Việt Nam về việc ứng dụng công nghệ vào làm báo, xu hướng chung của báo chí thế giới, VietnamPlus đã sáng tạo ra được nhiều mô hình kinh doanh mới cho báo chí hiện đại nhưng vẫn kế thừa được các điều kiện phù hợp với Việt Nam.
Vẫn với khái niệm cũ lấy độc giả làm trung tâm nhưng theo Phó Tổng biên tập Báo Nguyễn Hoàng Nhật, VietnamPlus lại có cách làm mới khi đóng vai trò chủ động thay vì bị động như trước kia. Theo đó, VietnamPlus sẽ chủ động tìm đến độc giả để cung cấp tin tức, thậm chí xâm lấn vào các nền tảng khác mà bạn đọc đang tập trung ở đó.
Việc triển khai đăng tải nội dung cũng như tương tác với độc giả trên các mạng xã hội phổ biến sẽ giúp tờ báo tiếp cận đượ với những bạn đọc thế hệ Z (sinh từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2010). Đây là thế hệ mà lâu nay bị báo chí bỏ quên, nhưng họ sẽ là nhân lực chính trong tương lai, và dĩ nhiên sắp tới sẽ là người bỏ tiền để nuôi sống báo chí.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Nhật, sức hút lớn như hiện nay của Facebook hay Tiktok là nhờ họ hiểu nhu cầu của người xem. Để làm được điều này họ phải thu thập dữ liệu người dùng. Đây cũng là cách làm mà các cơ quan báo chí nên học tập.
Việc thu thập dữ liệu bạn đọc không chỉ giúp các tờ báo hiểu được nhu cầu độc giả của mình hoặc biến họ thành người dùng trả phí mad còn nhằm khai thác những tiềm năng của nguồn tài nguyên mới quan trọng nhất trong thế kỷ 21 là dữ liệu.
Theo thống kê về quảng cáo báo chí, các quảng cáo trúng đích có giá trị cao hơn các vị trí quảng cáo, trong khi việc phân tích các tệp độc giả mà mình nắm giữ chính là cách để báo chí phân phối những quảng cáo đi tới đúng đối tượng mà nhãn hàng quan tâm, từ đó giúp gia tăng được lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số.
Khai thác thị trường ngách
Theo nhiều ý kiến, để gia tăng nguồn thu cũng như mảng miếng kinh doanh mới các cơ quan báo chí không nên tự giới hạn mình trong các lĩnh vực nhu trước đây mà cần mạnh dạn khai phá các thị trường ngách mà mình có lợi thế hoặc đủ nhân lực để thực hiện.
Theo nguyên Giám đốc điều hành CafeF Trương Trí Vĩnh, mô hình kinh doanh của báo điện tử cơ bản là bán media nhưng đây lại là lợi thế tuyệt đối của mạng xã hội với lượng truy cập lớn. Các cơ quan báo chí đang thua ngay trên sở trường của mình. Do đó cần có cách làm mới để thích hợp hơn.
Lấy ví dụ về hình thức đăng ký đọc tin tức trực tuyến vốn rất thành công ở các tờ báo lớn trên thế giới như The NewYork Times, ông Vĩnh cho rằng các cơ quan báo chí nên coi đây là một kênh phân phối chuyên biệt, phục vụ độc giả hiệu quả hơn chứ không phải dùng để thu tiền.
Rõ ràng việc không thu tiền sẽ giúp tờ báo thu được lượng người đăng ký được nhiều hơn, điều này cũng đồng nghĩa với nhiều lượng truy cập hơn. Từ đó dẫn tới giá trị các quảng cáo sẽ được báo ra cao hơn. Đây cũng là cách làm tốt để gia tăng doanh thu quảng cáo mà báo chí hoàn toàn có thể chủ động, ông Trương Trí Vĩnh nói.
Có cùng quan điểm, Tổng Thư ký tòa soạn Tạp chí Nhịp cầu đầu tư Chu Minh Trường tập trung đầu tư cho đối tượng độc giả đặc thù là hướng đi đang mang lại thành công nhất định cho đơn vị mình. Theo đó, với việc xác định doanh nhân là đối tượng trọng tâm, Tạp chí đã đẩy mạnh mô hình kết hợp giữa phát hành và tổ chức sự kiện, giải thưởng, xuất bản các báo cáo chuyên đề, dữ liệu dành cho DN. Hướng đi này đã mang lại nguồn thu lớn cho Tạp chí.
Còn theo nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam Hoàng Thủy Chung, tổ chức sự kiện là lĩnh vực quan trọng mà các cơ quan báo chí cần tập trung. Việc tự đứng ra tổ chức sự kiện không chỉ là việc quen thuộc với báo chí mà cũng là cách làm thương hiệu tốt, tiếp cận dễ dàng với độc giả mới cũng như mạng lại doanh thu lớn.
Sử dụng những công cụ hiện đại như trí tuệ nhân tạo nhằm giữ chân và phát triển độc giả trung thành có thể giúp báo chí tăng lợi nhuận không chủ từ quảng cáo kỹ thuật số mà còn ở cả lĩnh vực mới là thu phí bạn đọc. Theo nhiều nghiên cứu đây mới là nguồn thu mang tính bền vững của báo chí thế giới và báo chí Việt Nam cũng cần hướng tới mục tiêu này.
Phó Tổng Biên tập VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật