Đa dạng nguồn cung, Hà Nội không lo thiếu hàng hóa

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến một số chợ truyền thống, siêu thị phải tạm dừng hoạt động, song hàng thiết yếu vẫn bảo đảm không thiếu, lưu thông thuận tiện thông qua việc triển khai các điểm cung ứng hàng hóa, bán hàng lưu động, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh thành.

Người dân dễ dàng tiếp cận nguồn hàng
Những ngày đầu tháng 8, việc liên tục phát hiện các ca nhiễm Covid-19 tại hệ thống chợ truyền thống như Long Biên, Minh Khai, Phùng Khoang…; đặc biệt hệ thống siêu thị Vinmart đã phải dừng hoạt động 20 siêu thị Vinmart và 17 cửa hàng Vinmart+ vì có F0 đã khiến người tiêu dùng lo ngại trong việc lưu thông, mua sắm hàng hóa.
Trước tình hình đó, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai  phương án chia nhỏ các điểm tập kết, điểm bán hàng tiêu dùng. Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện TP đã tổ chức 8.649 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu (bao gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, cửa hàng lưu động) và 455 chợ truyền thống phân bổ khắp các quận, huyện, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19; Thời gian hoạt động tại các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6 giờ - 22 giờ hằng ngày.
 
 Siêu thị AEON phối hợp cùng UBND quận Long Biên tổ chức điểm bán hàng lưu động tại phố Bắc Cầu
Ngay trong ngày 3/8, tại phố Bắc Cầu (quận Long Biên), siêu thị AEON và UBND quận Long Biên đã tổ chức điểm bán hàng lưu động gồm thực phẩm tươi sống, đồ khô. Giám đốc siêu thị AEON Long Biên Đàm Mạnh Tuấn cho biết, hàng ngày AEON bố trí khoảng 8 tấn hàng hóa thiết yếu phân phối tại 4 điểm trên địa bàn quận Long Biên, với giá cả được niêm yết giống với tại siêu thị. Thời gian phục vụ người dân sẽ từ 8 - 11 giờ trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Chia sẻ về những thuận tiện mà điểm bán hàng lưu động mang lại cho người tiêu dùng, chị Bích Liên trú tại phố Bắc Cầu nêu rõ, những điểm bán hàng lưu động này rất cần thiết trong thời điểm giãn cách xã hội, người tiêu dùng có thể mua đầy đủ sản phẩm theo nhu cầu, vừa tuân thủ quy định phòng dịch.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm của người dân, các bưu cục, đơn vị chuyển phát nhanh ngành bưu điện cũng đang tích cực tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng Thủ đô.
 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng)

Đại diện Bưu điện TP Hà Nội chia sẻ, hiện đơn vị đã triển khai 472 điểm bán hàng thiết yếu tại các bưu cục, bưu điện văn hóa xã, cửa hàng tiện lợi Postmar, điểm bán hàng lưu động. Người dân có thể tới trực tiếp để lựa chọn và mua hàng, không bị giới hạn về số lượng.
“Nếu không muốn tới các điểm bán hàng, người dân hoàn toàn có thể gọi điện tới các bưu cục gần nhất yêu cầu cung cấp các loại hàng mình cần. Sau khi nhận đơn, nhân viên bưu điện sẽ chuyển phát miễn phí tới khách hàng trong thời gian sớm nhất” -  đại diện Bưu điện TP Hà Nội nói.
Tăng cường dự trữ liên kết
Theo các chuyên gia bán lẻ, để đảm bảo lương thực, thực phẩm cung ứng cho người tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội, đòi hỏi các doanh nghiệp tăng cường dự trữ hàng hóa, đồng thời ngành công thương đẩy mạnh kết nối với các tỉnh thành cung ứng hàng hóa.
Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, từ năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, ngành công thương đã xây dựng 5 phương án liên tục bám sát tình hình dịch để có phương án sát nhất thực tiễn.
Sở Công Thương TP đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng 1 tháng với giá trị 21.000 tỷ đồng, từ đó đề xuất doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên gấp 3 lần và dự trữ từ đầu năm với khoảng 194.000 tỷ đồng. Do vậy, suốt 7 tháng qua, diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng hàng hóa vẫn bảo đảm cung ứng tốt, chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Các doanh nghiệp đã xác định được nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, đồng thời đã chuẩn bị lượng hàng dự trữ đủ phục vụ nhu cầu người dân.
 Điểm bán thực phẩm thiết yếu tại phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng)

Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị Vinmart Miền Bắc Khúc Tiến Hà chia sẻ, mặc dù Vinmart đã phải tạm dừng hoạt động một số siêu thị, cửa hàng tiện ích nhưng do có kinh nghiệm qua các đợt dịch, doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để phục vụ vận chuyển và bán hàng qua thương mại điện tử. Hiện tại, hoạt động kinh doanh của các đơn vị khác vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa vẫn được cung ứng an toàn và luôn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân với giá bán ổn định.
Đồng tình với ý kiến này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đến thời điểm này, thuận lợi nhất là TP Hà Nội đang khống chế dịch, đồng thời các tỉnh phía Bắc dịch Covid-19 chưa lây lan mạnh nên sản xuất của các địa phương như Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc... vẫn đảm bảo cung ứng hàng ổn định cho thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất, chế biến còn chưa hoạt động hết công suất, mới đạt 60%, nếu có nhu cầu có thể nâng lên 100%; lưu thông hàng hóa cũng thuận lợi.
 Người dân mua hàng tại siêu thị Hapro Thành Công

Việc ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đẩy mạnh dự trữ, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội đã khiến giá cả hàng hóa tại Hà Nội ổn định; các quận, huyện cũng đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho những khu vực phong tỏa, cách ly y tế; người dân yên tâm phòng chống dịch bệnh.

Sở Công Thương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn, lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng. Tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía Bắc, đáp ứng đủ nhu cầu của Nhân dân. Cần đa dạng vùng cung cấp, không chỉ ở một vùng để có phương án thay thế khi cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Bên cạnh việc các doanh nghiệp tích cực dự trữ, liên kết với các tỉnh khai thác nguồn hàng, đề nghị ngành nông nghiệp Thủ đô cần tập trung chú ý hơn đến việc khuyến khích các huyện ngoại thành chủ động chuyển đổi trồng những sản phẩm rau xanh, gia cầm, thịt cá để phục vụ Nhân dân Thủ đô trước khi trông chờ từ các tỉnh, thành khác chuyển về.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng