70 năm giải phóng Thủ đô

Đa dạng phương thức xét tuyển không hẳn có lợi cho cơ sở đào tạo

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc đa dạng phương thức xét tuyển vào các trường đại học năm 2022 (khoảng 20 phương thức); bên cạnh việc tạo thuận lợi và cơ hội cho thí sinh, các trường thì cũng gây ra sự khó khăn không nhỏ cho trong nắm bắt thông tin.

Tại Hội nghị trực tuyến tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non, ĐH năm 2022 diễn ra chiều 16/3, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, dù có khoảng 20 phương thức xét tuyển nhưng các trường chủ yếu vẫn tập trung vào các phương thức như: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển kết hợp, xét tuyển thẳng…

Có khoảng 20 phương thức xét tuyển được áp dụng trong mùa tuyển sinh 2022
Có khoảng 20 phương thức xét tuyển được áp dụng trong mùa tuyển sinh 2022

Ngoài những mặt tích cực thì việc bổ sung nhiều phương thức đã khiến việc phân bổ chỉ tiêu không hợp lý, có sự tăng giảm mạnh qua các năm, khiến thí sinh không có sự chuẩn bị kịp thời cho mùa tuyển sinh đó. Nhiều trường thậm chí tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu đảm bảo công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Ví dụ, năm trước, điểm trúng tuyển theo kết quả THPT quá cao bất thường, có những thí sinh 30 điểm cũng không đỗ vào ngành học đã lựa chọn.

Bên cạnh đó, một số trường còn tăng giảm, thêm bớt tổ hợp thi nhưng lại chưa đưa ra được căn cứ cụ thể để giải trình cho sự lựa chọn đó để xã hội đồng lòng. Các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng không có biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh, tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn, đồng thời chưa tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, có năng lực nhất.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, trong mùa tuyển sinh năm nay, các trường cần giữ đảm bảo ổn định phương thức xét tuyển. Đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm, ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm, tránh gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh. Các trường cũng cần phải phân tích rủi ro và phương án giải quyết, phối hợp giải quyết trong quá trình tuyển sinh.

Bên cạnh đó, nếu một số trường xét tuyển theo phương thức riêng, có yêu cầu phức tạp hơn vẫn cần có hệ thống đăng ký và nhận hồ sơ riêng. Trong cùng một ngành nên quy về cùng một thang điểm để đảm bảo công bằng.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu quan điểm, các trường không nên chạy đua nở rộ nhiều phương thức. Việc lựa chọn phương thức mới, một tổ hợp mới cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng; không nên thêm quá nhiều phương thức tuyển sinh. “Khi tất cả các trường đưa thêm nhiều phương thức tuyển sinh, cuối cùng vẫn chỉ chọn trong từng đó thí sinh, do đó không hẳn các trường sẽ có lợi trong việc này”- thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Với việc tuyển sinh ngành y không có môn Sinh, đại diện trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, đây là chủ trương không hoàn toàn mới; tuy nhiên, các trường khối sức khỏe cần cân nhắc các tổ hợp mới trong xét tuyển bởi việc này sẽ gây xáo trộn trong tuyển sinh. Năm đầu thực hiện, cần có chủ trương rõ về chỉ tiêu tuyển sinh theo tổ hợp mới, có lộ trình cụ thể và xem xét phản hồi từ dư luận; đồng thời cần có thông báo trước cho thí sinh, phụ huynh để tạo sự đồng thuận.