Nhiều hoạt động vui chơi đã sẵn sàng mở cửa từ bây giờ cho đến ngoài rằm tháng Giêng.
1. Thư pháp với chủ đề “Tôn sư trọng đạo” là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 đã chính thức khai màn vào hôm 21/1. Tại đây, 77 ông đồ đã trổ tài viết chữ, trưng bày triển lãm thư pháp với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”. Triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 30 tác phẩm thư pháp bằng chữ Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ được tuyển chọn kỹ lưỡng. Các tác phẩm được thể hiện trên nhiều chất liệu theo các phong cách khác nhau, ghi lại danh ngôn, giáo huấn, thơ văn… của các bậc tiền nhân về chủ đề “Tôn sư trọng đạo” qua các thời đại lịch sử. Đến với Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017, du khách không chỉ được trải nghiệm phong tục xin chữ đầu năm mà còn là nơi để giao lưu, bình chữ, chọn chữ.
Ngoài một số hoạt động thường niên như biểu diễn thư pháp, cho chữ, triển lãm thư pháp, năm nay Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 còn có thêm khu vực làng nghề truyền thống trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội như gốm sứ, thêu dệt, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng… Có khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo - khám phá tranh Tết” và khu vực các trò chơi dân gian như nặn tò he, vẽ tranh, ô ăn quan... Hoạt động của hội sẽ diễn ra từ ngày 21/1 đến 11/2 (tức 24 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng âm lịch), từ 8 giờ 30 – 20 giờ hàng ngày. Riêng đêm 30 Tết âm lịch sẽ hoạt động đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Các ngày Mùng 1 và Mùng 2 Tết âm lịch, hội chữ hoạt động đến 22 giờ.
2. Hoạt động mừng Xuân Đinh Dậu tại Trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được bắt đầu bằng buổi lễ tái hiện cúng tiễn ông Công, ông Táo. Hoạt động mở đầu này sẽ là khởi điểm cho các hoạt động Triển lãm Tranh Tết truyền thống Việt Nam giới thiệu 3 dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu là tranh Hàng Trống, Kim Hoàng và Đông Hồ qua bộ sưu tập của Bảo tàng gốm sứ Hà Nội. Triển lãm Triều phục Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trinh Family Foudation với 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua Nguyễn. Công chúng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng và tìm hiểu về nghệ thuật thêu may truyền thống, cảm nhận sự tài hoa, khéo léo của những người thợ thủ công và nét đẹp tinh xảo, độc đáo của trang phục cung đình truyền thống. Triển lãm ảnh Di sản Việt Nam giới thiệu 100 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam (Vietnam Heritage Photo Awards 2016), đem đến cho người xem những cảm xúc chân thực về vẻ đẹp của đất nước, quê hương, con người Việt Nam.
Trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cũng tiến hành trưng bày tại chỗ và mở cửa phục vụ du khách tham quan khu vực di tích khảo cổ mới phát lộ với nhiều tầng văn hóa đa dạng và các dấu tích khảo cổ học tiêu biểu. Bên cạnh đó, không gian dâng hương tại điện Kính Thiên cũng sẽ được tái hiện giúp khách tham quan sẽ có những hình dung về kết quả nghiên cứu điện Kính Thiên trong thời gian qua, từ đó tiếp tục nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên trong tương lai.
Theo chương trình, hoạt động trưng bày triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 20/1 - 29/2; Hoạt động trình diễn gói bánh chưng diễn ra vào ngày 31/1 (Mùng 4 Tết âm lịch); Hoạt động biểu diễn âm nhạc dân gian vào 9 giờ 30 các ngày 31/1, 1, 2, 3 và 5/2 (Mùng 4, 5, 6, 7 và 9 Tết). Biểu diễn rối nước được trình diễn ba suất mỗi ngày vào các ngày 31/1, 2, 4 và 5/2 (Mùng 4, 6, 8 và 9 Tết). Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sẽ đóng cửa vào các ngày 26, 27, 28/1/2017 (ngày 29, 30, 1 Tết). Các điểm di tích vẫn phục vụ khách đi lễ, dâng hương. Khu di tích sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 29/1/2017 (Mùng 2 Tết âm lịch).
3. Phố Sách Đinh Dậu – nơi hội tụ của những người yêu sách là mong muốn của đơn vị tổ chức – Sở TT&TT Hà Nội. Năm nay, từ Mùng 3 đến mùng 9 Tết âm lịch (tức 30/1 - 5/2/2017), Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017 sẽ được diễn ra tại phố Lê Thạch và Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là năm thứ 2 Hà Nội duy trì không gian văn hóa đọc ngoài trời ngay cạnh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Năm nay, phố sách có sự tham gia của các nhà xuất bản và các công ty sách như: Kim Đồng, Phụ Nữ, Văn học, Đại học Sư phạm, Công ty CP Sách Thái Hà, Công ty CP Sách Đông A, Công ty CP Sách Huy Hoàng… với nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng về chủng loại. Bên cạnh đó, nhiều khuyến mại và phần quà được các nhà sách lì xì cho khách đến tham quan và mua sách. Ngoài ra, ở Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017, báo Tết, báo Xuân cũng được các cơ quan báo chí Hà Nội giới thiệu, trưng bày. Bạn đọc có thể đến các quầy sách lưu động và một số khu vực ghế nghỉ đọc sách, cafe sách với không gian nghệ thuật. Những bạn đọc yêu nghệ thuật thư pháp sẽ được thưởng thức chữ thư pháp ở hội sách này. Các chương trình giao lưu với tác giả, tác phẩm cùng các hoạt động khác như: tô màu, vẽ tranh, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống… cũng sẽ được biểu diễn tại Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017.
4. Lễ hội Xuân Ecopark năm nay với chủ đề “Từ cổ tích đến tương lai” được đầu tư kinh phí lớn với nhiều loài hoa được sắp đặt một cách nghệ thuật, trải dài trên diện tích 54ha sẽ được diễn ra từ ngày Mùng 2 - 5 Tết (tức ngày 29/1 - 1/2/2017).
Với ý tưởng kiến tạo các con đường đẹp quyến rũ mê hoặc của cỏ cây hoa lá cùng không gian đặc trưng ngày Tết, các nghệ nhân đã thiết kế, sử dụng nghệ thuật sắp đặt một cách tinh tế để tạo thành các khu trưng bày hoa, các giàn treo, chậu hoa lớn nhỏ, các tiểu cảnh. Toàn bộ các trục đường chính phân khu Palm Spring Khu đô thị Ecopark cùng các công viên mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu đều khoác lên mình tấm áo choàng mới rực rỡ của nhiều loại hoa phong phú, độc đáo.
Điểm độc đáo của Lễ hội năm nay là không chỉ được thưởng lãm hoa, du khách sẽ được tham gia vui chơi, tương tác ở 6 con đường trải dài trên khắp các nẻo đường Xuân trong khu đô thị. Con đường cổ tích: 24 câu chuyện cổ tích Việt Nam nổi tiếng được chọn lọc trong kho tàng truyện cổ Việt Nam được tái hiện bằng các hình ảnh trực quan như phướn, tranh vẽ và thể hiện qua giọng kể của các nghệ sỹ. Con đường sáng tạo: Các họa sỹ trẻ trình diễn nghệ thuật tranh vẽ grafiti với các chủ đề về tình yêu, cuộc sống, môi trường mang đậm hơi thở của nghệ thuật đương đại. Con đường di sản: Tái hiện hình ảnh đặc trưng của 3 miền bao gồm Khuê Văn Các, chùa Thiên Mụ, chợ Bến Thành cùng mô hình gia đình gà khổng lồ. Đặc biệt đây sẽ là không gian trình diễn “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” – một di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO công nhận cuối năm 2016. Một số hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian như đánh đu, ném còn, đi cà kheo sẽ đưa du khách về với Tết cổ truyền xa xưa…Con đường tình yêu: Sắp đặt một không gian lãng mãn dành cho các cặp tình nhân, bao gồm không gian âm nhạc và hoa có tính tương tác và thưởng thức cao. Con đường tuổi thơ: Tổ chức các trò chơi dân gian cho thiếu nhi như bịt mắt bắt gà, kéo co, nhảy dây, ô ăn quan, bịt mắt đập niêu, xiếc, hề, tung hứng nhào lộn… Con đường tương lai: Là không gian giới thiệu các ngôi nhà mới trong vườn Xuân với sắc màu trang phục lễ hội độc đáo của các thiếu nữ. Mỗi nẻo đường sẽ mang tới cho khách du Xuân những cung bậc tràn đầy cảm xúc và sáng tạo với âm nhạc, hội họa và nghệ thuật biểu diễn hòa quyện trong hoa trái rực rỡ và ánh sáng lung linh.
5. Đón năm mới Đinh Dậu 2017, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức trang trí 6 tuyến phố trung tâm gồm: Tràng Tiền, Hàng Bài, Ngô Quyền, Bà Triệu, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ. Rút kinh nghiệm việc trang trí Tết Bính Thân bị dư luận phản đối vì màu sắc chưa phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ của Hà Nội. Năm nay Sở VH&TT đã tổ chức cuộc vận động thiết kế hình thức trang trí. Ban tổ chức nhận được 56 tác phẩm, chọn ra 12 tác phẩm vào chung kết để chấm giải. Hầu hết các tác phẩm này đã được đưa vào ứng dụng. Toàn bộ chi phí trang trí chiếu sáng đều được thực hiện bằng nguồn tiền xã hội hóa. Bằng việc chú trọng trang trí chiếu sáng, đầu tư khoa học và bài bản, Hà Nội đang hy vọng là điểm đến cuốn hút của du khách trong và ngoài nước trong dịp Tết 2017.