9 ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Chủ động ứng phó với tác động của dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường. Nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Bộ NN&PTNT cũng đã thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trong nước. Đồng thời, phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online)…
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên trong bối cảnh chịu nhiều tác động, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng đã qua của năm 2022 vẫn đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, có 9 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Nhóm nông sản giá trị cao này gồm có cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất. Trong đó, cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn là những ngành hàng ghi nhận tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là 4 thị trường nhập khẩu nông sản tốp đầu của Việt Nam. Đặc biệt, đối với hai thị trường lớn nhất gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong thời gian qua, xuất khẩu được duy trì tốt, với kim ngạch và tỷ trọng so với tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt lần lượt 6,61 tỷ USD (chiếm 27,3%) và 4,97 tỷ USD (bằng 17,8%).
Giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, các thị trường truyền thống vẫn sẽ là cứu cánh cho xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm 2022. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để nông sản Việt chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
“Phương châm của Bộ NN&PTNT là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, từng bước giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa, nông sản diễn ra tại khu vực cửa khẩu phía Bắc…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh thông điệp.
Cùng với tích cực triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, Bộ NN&PTNT cũng sẽ duy trì nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng. Đẩy mạnh công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật; đồng thời giám sát chặt quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nhằm bảo đảm uy tín cho nông sản Việt xuất khẩu.
Song song với thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, trên cơ sở phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ chế biến, lưu thông, tiêu thụ kịp thời nông sản chính vụ. Tổ chức kết nối thu mua và tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tính trạng ùn ứ nông sản thời gian qua…
Liên quan đến giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào; tăng cường kiểm tra, công khai giá và chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản, tiến tới điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống. Đồng thời, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, khai thác tối đa các kênh thương mại điện tử, hạn chế khâu trung gian…