Đa dạng việc dạy và học về chủ quyền biển, đảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dạy và học về Hoàng Sa, Trường Sa thế nào cho phù hợp với độ tuổi, tâm sinh lý học sinh (HS) phổ thông? Mỗi người có một góc nhìn riêng, song đều cho rằng: Cần nghiên cứu cẩn thận.

Sớm tích hợp vào các môn học
Ths Lê Thị Thu Hương (ĐH Thủ đô Hà Nội) chia sẻ: “Là giáo viên dạy Lịch sử nhiều năm từ bậc phổ thông lên đại học, tôi thấy các sự kiện lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ từ xưa đến nay cần được diễn tả đúng sự thật và đưa vào các tài liệu chính thống như sách giáo khoa (SGK), mà cụ thể là ở môn Lịch sử. Việc đưa quá ít thông tin về chiến tranh biên giới phía Bắc hay trận đánh Gạc Ma trong SGK hiện hành cần được thay đổi trong nội dung SGK mới. Chúng ta đưa những nội dung này vào dần dần, tùy theo nhận thức của HS các cấp học”.
Giờ học Lịch sử của học sinh trường THPT Mê Linh, huyện Mê Linh. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học Lịch sử của học sinh trường THPT Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Theo đó, đối với HS tiểu học có thể đưa dưới hình thức các câu chuyện lịch sử, gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ bảo vệ biên giới và biển đảo; các lễ hội truyền thống như lễ Khao lề thế lính ở Lý Sơn... Đối với cấp THCS và THPT, nên đưa vào chương trình những sự kiện đã diễn ra gắn với phần lịch sử Việt Nam các giai đoạn tương ứng, cố gắng diễn tả đúng sự thật những gì đã diễn ra, chứ không nên đánh giá hay nhận xét. Bởi từ sự thật lịch sử, HS sẽ hiểu hơn về lãnh thổ dân tộc, truyền thống giữ nước, thiện chí hòa bình của Nhân dân Việt Nam và tự nhận xét, đánh giá... Trong lúc chờ SGK mới, các sở GD&ĐT, nhà trường cần chủ động dạy tích hợp vào một số bộ môn có nội dung liên quan như Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân, Ngữ văn...
TS Nguyễn Thị Kim Hoa – Phó Chủ tịch Hội Sử học Khánh Hòa cho rằng: “Các nội dung về Trường Sa, Hoàng Sa trước đây chưa có trong chương trình, SGK, nay Quốc hội đồng ý đưa vào là mừng. Tuy nhiên, trong khi chờ SGK mới, nội dung liên quan đến biển đảo nói chung và chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng cần được cập nhật, bổ sung bằng một số chuyên đề và hướng dẫn giảng dạy ở các cấp”.

Dạy theo hướng gợi mở
Nhiều năm nay, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đề xuất đưa vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vào SGK Lịch sử phổ thông. Việc này rất cần thiết. Lịch sử khai phá, xác lập, thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một trong những trang sử bi hùng nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

Cũng theo TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Trường Sa và Hoàng Sa có quá trình chiếm hữu, thực thi, khai thác và bảo vệ chủ quyền qua các thời kỳ. Đó là nội dung không thể thiếu trong trường phổ thông, nhưng phải đặt vào trong tổng thể chương trình vì còn nhiều nội dung khác. Mức độ kiến thức đưa vào SGK thế nào tùy thuộc vào chính sự kiện diễn ra: “Tôi tin ban soạn thảo chương trình của Bộ GD&ĐT sẽ có quyết định hợp lý. Đối với các tỉnh, TP như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... gắn liền với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài SGK còn có tài liệu lịch sử địa phương. Như thế, HS còn được tìm hiểu về Trường Sa, Hoàng Sa qua những tiết học lịch sử địa phương. Khi đó các em được định hướng nội dung nghiên cứu và học tập cụ thể hơn. Đây là một thuận lợi, song trong quá trình dạy học, cần làm thế nào để HS nhận thức được vấn đề là quan trọng nhất”.

Việc dạy học về Trường Sa và Hoàng Sa, bà Hoa đề xuất, nên theo hướng đa dạng hóa các hình thức, trong đó, dạy theo hướng gợi mở vấn đề, HS tự khám phá sẽ tốt hơn là nhồi nhét kiến thức. HS nên được học ngay từ cấp tiểu học, có thể bắt đầu là các câu chuyện kể hay tranh vẽ về 2 quần đảo. Các cấp học tiếp theo mức độ giáo dục tăng dần. Việc chuyển tải kiến thức về 2 quần đảo hiện nay rất phong phú, bởi có nhiều nguồn tài liệu, kể cả báo chí, truyền hình,      internet... Điều này liên quan đến phương pháp tổ chức giờ học và tâm huyết của giáo viên.

“Tôi tâm đắc câu nói của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: “Phải có cách để những kiến thức liên quan đến chủ quyền biển, đảo đất nước không chỉ nằm trên những tấm bản đồ, tư liệu xơ cứng mà phải thấm sâu vào nhận thức, chảy trong huyết quản và trở thành tâm tình của mọi người dân. Có như thế mới tạo thành sức mạnh to lớn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước nhà”. Vì thế, chúng ta tiếp tục đổi mới phương pháp và hình thức dạy học Lịch sử, cũng như công tác giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo trong HS là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục” - bà Hoa chia sẻ.

Sự kiện lịch sử cần được tái hiện sinh động

Cho rằng, các vấn đề liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa cần phải được đề cập rõ ràng, chi tiết trong SGK mới, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đề nghị: Song song với đó, chúng ta cần triển khai giáo dục mạnh mẽ cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, ý thức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ.

“Thực tế hiện nay, khái niệm của HS về những sự kiện lịch sử còn khá mơ hồ. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, việc HS chưa quan tâm, thậm chí thờ ơ với Lịch sử cũng bởi một phần dạy – học Sử chủ yếu thiên về truyền đạt kiến thức, áp đặt một chiều. Để thế hệ trẻ hiểu và yêu Sử nước nhà, trước hết, giáo viên nên để HS trao đổi, thảo luận về một nhân vật, sự kiện nào đó hơn là chỉ ghi chép. Các sự kiện lịch sử cần được tái hiện sinh động qua hình ảnh, cuộc thi, câu chuyện, các tiết mục sân khấu hóa… Khi tạo được không khí tranh luận sôi nổi thì việc dạy sẽ hấp dẫn và HS sẽ thích thú tìm hiểu” - ông Lâm nêu quan điểm.