Đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết ở TP Hồ Chí Minh

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 10.052 trường hợp mắc sốt xuất huyết với số ca nặng tăng gần gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Sáng 31/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tính từ ngày 20 đến 26/5, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.402 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước; không ghi nhận trường hợp tử vong. 

Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng đã ghi nhận 121 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 71 phường, xã thuộc 15/22 quận, huyện, TP Thủ Đức, nâng tổng số ổ dịch từ đầu năm 2022 đến nay lên 567 ổ dịch.

Vượt mốc 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, ngành y tế TP Hồ Chí Minh cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh
Vượt mốc 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, ngành y tế TP Hồ Chí Minh cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh

Theo thống kê của HCDC, trong vòng 5 tháng đầu năm 2022, TP ghi nhận có 10.052 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 46,4% với cùng kỳ năm 2021 là 6.867 ca; 3.699 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% các trẻ mắc bệnh từ 1 - 5 tuổi. 

Nhận định về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, mặc dù dịch bệnh sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại TP, thế nhưng các dấu hiệu năm nay cho thấy nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Cụ thể, số ca mắc, số ca nặng và số ca tử vong đều tăng cao hơn so với cùng kỳ.

“Dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát nhưng qua kiểm tra cho thấy vấn đề vệ sinh, dọn dẹp các vật chứa không dùng xung quanh nhà ở nhiều khu dân cư vẫn còn tồn tại, đặc biệt là các khu đất trống, người dân chưa xây dựng có rất nhiều vật chứa bị vất bỏ. Bên cạnh đó, một số khu quy hoạch nhưng chưa triển khai dự án, người dân bỏ rác, vỏ xe cái vật chứa nước... khi trời mưa xuống, các vật chứa này sẽ đọng nước sẽ phát sinh lăng quăng. Đây là vấn đề hết sức quan ngại” - ông Nguyễn Hữu Hưng nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, cùng với việc các địa phương huy động lực lượng tập trung dọn dẹp các vật chứa và các điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế sẽ khảo sát để thả hóa chất diệt muỗi ở những nơi khó xử lý để giải quyết trước mắt là giảm mật độ muỗi khu vực đó xuống; đồng thời tiếp tục tuyên truyền đến người dân về công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi.

“Sốt xuất huyết là bệnh có thể gây nguy hiểm và tử vong nếu chúng ta không phát hiện, xử lý kịp thời. Một trong những biện pháp khác là thông tin, truyền thông cho người dân biết khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị” - ông Nguyễn Hữu Hưng nói và nhấn mạnh, với các trường hợp bệnh nhân được bác sĩ cho phép điều trị, theo dõi tại nhà, cần nhận biết được những dấu hiệu, triệu chứng trở nặng để đưa ngay đến các cơ sở y tế cứu chữa kịp thời.

Trước đó, do tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức quán triệt tinh thần chống dịch quyết liệt.