Trong 11 dự án được Sở GTVT Hà Nội báo cáo chủ trương đầu tư có những dự án là nỗi mong mỏi của người dân từ nhiều thập kỷ qua.
Ví dụ như dự án đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, mở rộng đường Láng dưới thấp; cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu, kết nối đến Hưng Yên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 21A đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai…
Đây đều là những dự án có tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, dù vô cùng cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng vì thiếu vốn nên đã phải nằm trên giấy khá lâu.
Vành đai 2 là một trong những trục chính đô thị của Hà Nội đã được đầu tư khép kín gần như toàn bộ, chỉ còn thiếu mảnh ghép từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Nếu không ráp nốt mảnh ghép quan trọng này sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến hiệu quả đầu tư của toàn tuyến. Trục chính đô thị sẽ tắc nghẽn ở Ngã Tư Sở, tạo thêm điểm đến ùn tắc giao thông mà mọi phương án tổ chức, phân luồng đều chỉ mang tính chắp vá tạm thời.
Hay như dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21A, sẽ mở ra không gian phát triển cho cả một vùng đất rộng lớn từ Tây Nam - phía Tây Thủ đô, đặc biệt là huyện Chương Mỹ với hàng loạt khu, cụm công nghiệp có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Tiếp sau hàng loạt công trình, dự án lớn như: Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Quốc lộ 6, Đại lộ Thăng Long kéo dài… Hà Nội lại dốc sức cho 11 dự án giao thông trọng điểm, dự kiến khởi công, hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2030.
Điều đó cho thấy, chính quyền và Nhân dân TP đã và đang nỗ lực cho kết cấu hạ tầng giao thông - một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Những tín hiệu tích cực đó còn là động lực thôi thúc các quận, huyện, thị xã song hành, quyết tâm hướng tới mục tiêu lớn trong tương lai, cùng góp sức xây dựng Thủ đô xứng tầm với vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, hơn 70.000 tỷ đồng là con số rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nơi nào trên địa bàn TP cũng cần được đầu tư, nâng cấp hạ tầng. Chính vì vậy cần có kịch bản thận trọng, tỉ mỉ để bảo đảm mỗi đồng vốn chi ra đều mang lại hiệu quả thiết thực.
Đặc biệt Hà Nội phải chuẩn bị đầu tư thật kỹ, phân loại các dự án theo mức độ ưu tiên; bắt tay vào làm phải rốt ráo, nhanh gọn. TP đã có không ít bài học kinh nghiệm đắt giá với những dự án chậm tiến độ vừa không đáp ứng được mục tiêu ban đầu, vừa gây lãng phí, mệt mỏi sức dân.
Ví dụ như những ngày qua dư luận băn khoăn đặt câu hỏi về tính hiệu quả, khả thi của dự án đường Vành đai 2 cả trên cao và dưới thấp, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy.
Đành rằng dự án là rất quan trọng và bức thiết, nhưng lựa chọn phương án nào, giải phóng mặt bằng hàng nghìn hộ dân ra sao, cần kịch bản thật tốt. Nếu không chuẩn bị kỹ sẽ tác động không nhỏ đến chất lượng, tiến độ dự án, đặc biệt là trong giải phóng mặt bằng như đã từng xảy ra với Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục).
Vẫn biết từ chủ trương cho đến khi hình thành dự án còn cả chặng đường rất dài, nhưng Hà Nội không thể chủ quan, chỉ vạch kế hoạch trên giấy mà thiếu đi đánh giá tác động xã hội thực tế đối với mỗi công trình. Mặt khác, đã bắt tay vào làm phải làm quyết liệt, nhanh, mạnh như dự án Vành đai 4 mới bảo đảm hiệu quả đầu tư.